Những tháng cuối năm 2019, nhiều nhân viên giao hàng “tươi hơn hoa” thu nhập mỗi tháng lên đến 20 – 30 triệu đồng, không ít nhân viên có thu nhập 40 – 50 triệu đồng/tháng. Nhưng giờ đây khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mỗi ngày kiếm được 200.000 – 300.000 đồng đã là giỏi lắm!
Hiện tại TP.HCM có vài chục nhà cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà, chưa kể mỗi nhà bán lẻ còn có dịch vụ riêng. Nhiều thì nhiều nhưng chung quy khách hàng vẫn nhớ những tên tuổi quen thuộc: Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, GrabExpress, GoSend, Shopee Express, NowShip, ProShip…
Vì có nhiều nhà cung cấp dịch vụ nên giá dịch vụ giảm. Mồ hôi của nhân viên giao hàng rơi theo vòng quay bánh xe nhiều hơn…
Chạy sấp mặt…
“Với tôi, tính đến gần cuối ngày mà kiếm chưa tới 300.000 đồng. May xăng hạ giá nên sau khi trừ xăng và ăn uống, còn kiếm được 200.000 đồng. Lúc này nhiều người không có việc làm, kiếm được chừng đó là mừng lắm rồi”, Tiệp, nhân viên của Giao hàng tiết kiệm khu vực Tân Bình (TP.HCM) kể. Anh nhân viên giao hàng này cho biết thêm, ban ngày giao hàng, tối về thay áo chạy Be chở khách. “Mà mấy tuần nay, khách ít gọi xe chở đi lắm. Họ sợ”, Tiệp nói thêm.
Bây giờ hàng ít nên phải gom đủ hàng theo từng khu vực mới giao hàng cho khách. Trong ảnh: Nhân viên GHN Express giao hàng cho khách tại một cao ốc ở Q.3 (TP.HCM). Ảnh: Song Minh
Dũng, nhân viên giao hàng của Tiki.vn cho biết, sau Tết chừng 1 tháng, công việc giao hàng còn sống ngon. “Lúc đó khách còn chịu mua sắm: mỹ phẩm, điện tử gia dụng, quần áo…, còn bây giờ, cả phường 11 (Gò Vấp) mà chỉ có mấy đơn hàng. Ít nhiều cũng phải giao cho khách, như đơn hàng này chỉ là đôi giày nữ chưa tới 100.000 đồng”, Dũng chia sẻ. Lượng hàng giao ít, tất nhiên, lương nhân viên theo đó thấp tè.
Vừa là nhân viên bán hàng, K. vừa là nhân viên giao hàng của một cửa hàng Thegioididong.com tại quận Tân Bình (TP.HCM). Khi có khách đặt hàng online, vì là nhân viên nam duy nhất của cửa hàng nên anh chàng này kiêm luôn công việc giao hàng tận nhà. Theo lời K., nếu đơn hàng có giá trị chừng 3 – 4 triệu đồng, doanh số cao, từ đó thưởng bán hàng trong ngày sẽ cao.
“Nhưng nhiều khách chỉ đặt hàng là một chiếc điện thoại giá rẻ, chừng 300 – 400.000 đồng nhưng cũng phải chạy giao cho khách tận Bình Tân, có khi qua tới quận 7! Trời nắng cỡ này mà chỉ kiếm vài chục ngàn đồng sợ không đủ mua tiền mua thuốc”, K. cười mà cảm nhận trong đó có cả nước mắt và mồ hôi. K. nói thêm, lúc bán hàng đang khó, doanh thu giảm sút, “giao một cái ốp lưng hay đầu xạc pin cũng phải đi, nếu để khách hàng phàn nàn, coi như tháng đó không được thưởng doanh số”. K. tiết lộ, tháng 3, sức bán giảm sâu 30- 40% nên lương tháng này chừng 6 – 7 triệu đồng. Đó là tính luôn cả thưởng giao hàng!
Thu nhập của nhân viên giao hàng giờ thấp hơn hồi trước tết vì không chỉ hàng ít mà còn bị cạnh tranh gay gắt. Ảnh: Song Minh
Lợi mình – thiệt người!
Mới đây, tại ngã tư Lê Văn Sỹ - Đặng Văn Ngữ (Phú Nhuận), gặp đèn đỏ, tình cờ đậu gần nhân viên giao hàng của Lazada. Khi thấy phía sau là mấy thùng hàng to, tranh thủ hỏi chuyện, anh chàng nhân viên này nói ngắn gọn: “Để tiết kiệm phí giao hàng nên khi nào gom đủ hàng cho từng khu vực mới giao, không còn giao hàng nhanh trong ngày như trước”.
Thì ra là vậy. Mấy ngày gần đây, nhiều khách hàng lên Facebook phàn nàn nhiều nhà bán hàng trực tuyến hẹn giao hàng từ 3 – 5 ngày làm việc, vì hẹn dài ngày quá nên nhiều đơn hàng bị sót! Nhà bán hàng có cách tính riêng, có lợi cho mình. Còn khách hàng đâu thể chấp nhận cách làm đó. Vậy là chia tay.
Với câu hỏi có còn giao hàng nhanh hay không, ông Trần Tuấn Anh, giám đốc điều hành Shopee Việt Nam chia sẻ: “Hiện tại, chúng tôi vẫn duy trì các dịch vụ giao hàng nhanh từ 1 – 4 tiếng đồng hồ với các dịch vụ giao hàng: Shopee Express, GrabExpress, NowShip. Nhưng để thực hiện dịch vụ trên, người bán phải giao hàng đúng hẹn cho nhà vận chuyển, lúc đó mới giao hàng nhanh cho khách đặt mua”.
Cuối năm 2019, nhân viên giao hàng "vui như tết" vì thu nhập 20 - 50 triệu đồng/ tháng... Trong ảnh: Nhân viên của nhiều nhà cung cấp dịch vụ giao hàng tại tòa nhà Bitexco. Ảnh: Song Minh
Ông Phạm Hữu Ngôn, giám đốc điều hành AhaMove cho rằng, kể từ khi có dịch Covid-19, dịch vụ giao hàng có những biến động, từ thị trường trong nước đến “xuyên quốc gia”. Theo ông Ngôn, việc giao hàng xuyên quốc gia đang “tiêu cực” do lượng hàng đi và đến chững lại. Còn với thị trường nội địa, Hà Nội và TP.HCM, dịch vụ giao hàng của AhaMove có mức “tăng trong ngắn hạn”, chừng 14% vì nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng.
Giữa trưa, nhiệt độ TP.HCM chừng 35 – 36 độ C, còn nhiệt độ thực tế trên đường chừng 42 – 43 độ C. Nhiều tài xế GrabBike, GoBike… núp dưới bóng cây ngả lưng, chờ “áp” gọi. Còn trên mặt đường bỏng rát, thỉnh thoảng bắt gặp nhân viên giao hàng đang phóng xe. Phía sau là một gói hàng chỏng chơ…