Giữa tháng 4/2022, tôi có ý định mua đất ở quê Đăk Lăk nên nhờ mẹ hỏi giúp một mảnh đất gần nhà. Mảnh đất ấy nằm ở mặt tiền đường bê tông, được chủ đất báo giá 1,75 tỷ cho 125m2. Đáng nói, cách đây chưa đầy 6 tháng chủ đất đã rao bán chính mảnh đất ấy với giá hơn 1,2 tỷ nhưng chưa ai mua.
Lý do được cả mẹ tôi và chủ đất đưa ra là "sốt" đất . Tra cứu tình hình đất đai ở Đăk Lăk trong khoảng thời gian gần đây, dễ dàng thấy được những thông tin "giật gân" như đất tăng trăm triệu trong ngày, văn phòng đăng ký đất đai quá tải vì hồ sơ tăng chóng mặt có hôm gần 1000 bộ...
Chưa thôi choáng váng vì những con số này, tôi đã nhận thêm được tin sét đánh từ mẹ "chủ đất thấy mình lâu chốt quá bán cho người khác giá 1,9 tỷ rồi". Tính tới thời điểm chủ đất bán được mảnh đất, tôi chỉ mới hỏi giá được 1 tuần. Giá đất tăng điên đảo cỡ này, hết hồn không?
Sẵn dịp đang về quê có việc lại tò mò vì đâu mà đất đai tăng nhanh như thế, tôi cũng móc nối với một số bên môi giới để đi xem đất, tìm hiểu sâu hơn về cơn "sốt" đất này. Biết đâu, đây là cơ hội cho tôi làm giàu thì sao?
Các văn phòng công chứng, nơi giải quyết thủ tục đất đai luôn chật cứng người ở Đăk Lăk
Sau vài cuộc gọi, tôi cũng hẹn được một môi giới tên T (35 tuổi) đưa đi xem đất.
Khác với việc đưa từng người đi xem từng mảnh như khi xưa, T cho tôi thời gian, địa điểm để tập trung và báo luôn là chúng tôi sẽ đi xem đất theo nhóm. Lộ trình lẫn khu vực đi xem cũng do T quyết định, không theo nhu cầu của bất cứ khách nào. Ưng thì đi, không thì đợi môi giới khác. Thế thôi.
Buổi đi xem đất của chúng tôi bắt đầu từ 8h sáng và chủ yếu di chuyển quanh các huyện ven trung tâm Đăk Lăk - TP. Buôn Ma Thuột. Ấn tượng ban đầu của tôi khi đi "săn" đất là khắp các nơi đi qua, mỗi mảnh đất đều phải có cả đống biển bán được cắm với số điện thoại la liệt. Trên đường, cũng dễ dàng thấy nhiều nhóm đi xem đất tụ lại, có người đi xe máy, có người đánh ô tô. Quang cảnh khá vui vẻ, nhộn nhịp nhưng mặt ai nấy đều đăm chiêu, suy nghĩ.
Khắp các con đường tỉnh lộ ven TP. Buôn Ma Thuột đều dễ dàng gặp các nhóm đi xem đất, biển bán đất
Các mảnh đất chúng tôi đi xem có cả nông nghiệp lẫn thổ cư, giá dao động từ vài trăm triệu đến vài tỷ tùy khu vực và diện tích. Hình thức xem là T sẽ dắt từng nhóm nhỏ 3-4 người vào xem, không ưng thì đi ra, nhóm tiếp theo vào, cứ thế cho đến khi hết người.
Tranh thủ giờ giải lao, ăn trưa đợi đi tiếp tôi có "làm thân", hỏi chuyện T. Hóa ra, T vốn là một giáo viên hợp đồng. Trong khoảng thời gian ảnh hưởng vì dịch bệnh, thu nhập của cô hầu như không có.
Sau Tết Nguyên Đán 2022, được hội bạn cấp 3 rủ rê, cô cũng bắt đầu làm môi giới bất động sản để kiếm thêm. Rất nhanh sau đó, cô đã bán được mảnh đầu tiên thông qua giới thiệu của bạn bè và bỏ túi 2 triệu cho phi vụ này. Có tiền nhanh chóng lại không tốn mấy công sức, T bắt đầu đam mê với nghề môi giới. Tính đến thời điểm hiện tại, T không nhớ mình đã bán được bao nhiêu mảnh đất, chỉ biết số tiền hoa hồng cô kiếm được đã lên đến vài trăm triệu. Dự định của T tiếp tục tích góp thêm tiền và tậu cho mình một mảnh đất riêng trong khu trung tâm.
"Thông thường với mỗi mảnh đất bán được, mình sẽ nhận 2-5% hoa hồng. Số tiền này phụ thuộc vào việc môi giới có làm trực tiếp với chủ đất và khách không. Nếu là do người khác giới thiệu, qua trung gian nhiều bước thì phải ‘cắt máu’ chia lời nên sẽ không còn được nhiều.
Bạn cứ tưởng tượng đi, nếu xưa mình đi dạy giỏi lắm một tháng chỉ được vài triệu thì giờ nhờ bán đất, có tháng mình kiếm được 4-50 triệu lận. Nhiều tiền thế, ai không tham? Hàng xóm quanh nhà mình từ giáo viên, y tá, bác sĩ, sinh viên cho đến công nhân, cô bán trà đá, bà bán vé số đều đi bán đất hết rồi" - T chia sẻ.
Trong nhóm đi xem đất cùng tôi, có một cô nàng tên M. Lân la làm quen hỏi chuyện mới biết M không phải "tay mơ" lần đầu đi mua đất như tôi mà là một tay "săn đất" chính hiệu.
"Từ Tết đến giờ mình đã kiếm được hơn 2 tỷ nhờ ‘sốt’ đất đó. Cách kiếm tiền của mình là theo chân môi giới, đi xem những lô ở xa trung tâm TP. Buôn Ma Thuột như huyện Buôn Hồ, Buôn Đôn… và chốt cọc những lô giá từ 300 - 800 triệu sau đó rao bán lại.
Những mảnh đất này nếu cọc, mình cũng chỉ phải cọc 10 - 20% giá trị nên không tốn nhiều.Trong thời gian đợi giải quyết hồ sơ, sang tên ra sổ thì mình lại tìm mối khác và bán lại lời khoảng vài chục triệu/ mảnh. Còn không, mình cứ xuống tiền kiếm mối khác bán sau. Với những mảnh mua đứt này, phải lời hơn 100 triệu mình mới suy nghĩ đến chuyện bán. Đất Đăk Lăk giờ không có để mua luôn chứ đừng nói sợ ế, lỗ" - M chia sẻ.
Để minh chứng cho chuyện mua đất tầm này chỉ có lời, không đời nào lỗ, M còn kể cho tôi nghe một câu chuyện trong lần đi "săn" đất gần đây của cô. Cụ thể, có một anh bạn tên B đã lướt sóng, "lời" được 60 triệu chỉ sau 30 phút. Lý do là vì sau khi anh B cọc mảnh đất 320 triệu chưa lâu, một người khác lại có ý muốn mua. Sau khi thương lượng, 2 bên quyết định sang nhượng với giá 380 triệu.
Trao đổi với tôi xong, M cũng nhanh tay chốt cọc 2 lô liền kề tổng 60m2 với giá 640 triệu rồi đi về vì bận "qua nơi khác xem đất tiếp".
Là một tay "săn" đất chính hiệu, M xem nhanh - chốt gọn những lô đất đẹp
Chuyến đi của chúng tôi kết thúc vào 3h chiều, xem được 6 khu đất với nhiều mảnh được phân lô, cắm cọc. Trong số những người đi xem đất, có rất nhiều người đã chốt cọc được cho mình mảnh đất ưng ý, số còn lại cũng hỏi han thêm T về khu vực tiếp sẽ đi xem cũng như các khu vực mà họ đang muốn mua đất nhưng chưa tìm được nguồn.
Không chỉ riêng Đăk Lăk hay khu vực Tây Nguyên, tình trạng đất tăng giá chóng mặt vẫn đang diễn ra ở rất nhiều vùng ven khắp cả nước. Song song với đó, các thông tin về việc cò đất thổi giá, cắm cọc giả quy hoạch để lừa đảo… đều đầy rẫy. Thế nhưng, số lượng người mua đất vẫn tăng dần đều chứ không hề có dấu hiệu giảm. Vì sao lại thế?
Lý do đầu tiên có thể kể đến là do nhu cầu về nhà ở và đầu tư của dân tình.
Sau khoảng thời gian đại dịch, rất nhiều người đã và đang có ý định bỏ phố về quê sinh sống khiến cho nhu cầu mua đất ở các vùng ven cũng tăng theo, đẩy giá đất lên gấp nhiều lần.
Mặt khác, giữa lúc tình hình kinh tế nhiều biến động, vàng bạc lên giá thất thường, chứng khoán "sập" sàn liên tục - trong mắt nhiều người, đất đai chính là kênh đầu tư có thể "trông cậy" nhất. Chí ít, đây cũng là một tài sản hữu hình, sở hữu được và có thể sinh lời ngắn hạn lẫn dài hạn, không bao giờ sợ lỗ.
Kế đến, chính là do các quy định về quy hoạch, đổi mới hạ tầng nông thôn của chính phủ.
Như ở Đăk Lăk, từ sau khi có thông tin quy hoạch, mở rộng con đường vành đai nối các tỉnh Tây Nguyên với nhau, không có hơn 1 tỷ đừng mơ mua được đất sát mặt tiền ở những khu này. Mặt khác, thông tin về việc các ông lớn đổ xô đầu tư, xây dựng bệnh viện, khu du lịch sinh thái hoành tráng cũng góp phần đẩy giá đất ở Đăk Lăk đã cao còn cao hơn.
Cuối cùng, không thể nào bỏ qua FOMO và hiệu ứng bầy đàn.
Giống như chuyện người người, nhà nhà hò nhau chuyển sang làm môi giới bất động sản, chuyện sở hữu đất đai cũng thế. Những thông tin tăng giá liên tục, thấy người này người kia mua đi bán lại đất với giá cao, bỏ túi tiền chục triệu, trăm triệu ngon ơ thôi thúc rất nhiều người cũng gia nhập cơn "sốt" đất này kể cả có vốn lận lưng hay không. Bằng chứng là một người trong nhóm mua đất đã thủ thỉ tâm tình với tôi: "Giờ lãi ngân hàng cũng không cao bằng lời bán đất, không có tiền thì vay nợ mà mua - đằng nào chả hốt bạc mà lo".
"Sốt" đất đúng là cơ hội kiếm bạc tỷ nhanh chóng thật, nhưng cũng kèm theo rất nhiều rủi ro. Lời khuyên duy nhất là hãy luôn là nhà đầu tư sáng suốt. Biết chọn lọc nguồn để nghe ngóng tin quy hoạch chuẩn xác, đừng đặt niềm tin 100% vào môi giới, ưng ý đến đâu cũng đừng vội vàng mà tìm hiểu cho kỹ trước đã. Có như thế, bạn mới không sa lầy vào những cơn "sốt" ảo, lướt sóng nhầm chỗ hay bị lừa đảo về thủ tục giấy tờ.
Về phần tôi, sau vài ngày đi xem đất cũng có ưng ý vài mảnh nhưng lại chẳng mua mảnh nào. Tôi không phải người chơi hệ đầu tư, đủ rành rọt về bất động sản và cũng không dám liều, mạnh tay xuống số tiền lớn như thế nên đành thôi. Có thể, sau này tôi cũng sẽ mua một mảnh đất - nhưng chắc không phải trong thời gian hiệu ứng "sốt" đất mạnh mẽ như này rồi.