Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020 vừa được Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh ký gửi đại biểu Quốc hội để phục vụ cho kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XV chỉ rõ, ngoài các hạn chế, sai sót chung trong quá trình đầu tư, công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT còn bộc lộ nhiều "lỗ hổng".
Kết quả kiểm toán kiến nghị xử lý 1.128,46 tỷ đồng. Trong đó, tăng thu ngân sách 66,42 tỷ đồng, giảm chi 9,22 tỷ đồng, xử lý khác 1.052,82 tỷ đồng. Đáng chú ý, có 01 dự án BOT thời gian thu phí hoàn vốn sau khi cập nhật lại kết quả kiểm toán giảm 23 tháng so với phương án ban đầu, là dự án đường bộ ven biển Việt Nam đoạn qua tỉnh Thái Bình, Nam Định.
Cụ thể, theo Kiểm toán Nhà nước, đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, điều kiện giải ngân, thanh toán phần vốn góp của Nhà nước tham gia trong dự án và phần vốn vay của nhà đầu tư tại hợp đồng BOT chưa nêu cụ thể.
Trong hợp đồng BOT, có quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm ứng cho nhà đầu tư bằng 40% tương ứng với giá trị phần vốn nhà nước do nhà đầu tư tổ chức thực hiện, không đúng quy định như tại với dự án đường bộ ven biển Việt Nam đoạn qua tỉnh Thái Bình, Nam Định.
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Thông tư số 88/2018/TT-BTC quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư, không có quy định về việc tạm ứng hợp đồng đối với phần vốn góp của Nhà nước trong dự án PPP giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, phương án tài chính xác định thời gian thu phí hoàn vốn còn một số chỉ tiêu chưa được cập nhật để phù hợp với thực tế phát sinh định kỳ theo quy định tại dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn.
Trong 10 dự án BT được kiểm toán, có 1 dự án kiểm toán có tỷ lệ xử lý trên 49% giá trị được kiểm toán, là dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây 842,8 tỷ đồng. 1 dự án có tỷ lệ xử lý trên 20% giá trị được kiểm toán, là dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng 255,73 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rất nhiều lỗi. Cụ thể, một số yếu tố trong phương án tài chính đã thay đổi trong quá trình thực hiện dự án, song nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa điều chỉnh hợp đồng BOT. Chi phí sửa chữa thường xuyên chưa phù hợp định mức, chi phí trung tu và đại tu chưa phù hợp, chi phí thường xuyên tăng 0,34 tỷ đồng; chi phí trung tu tăng 41 tỷ đồng; chi phí đại tu tăng 77,9 tỷ đồng. Đồng thời, chưa quy định nguyên tắc và điều kiện điều chỉnh lãi suất vốn vay trong phương án tài chính.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, giải ngân vốn vay và vốn góp chủ sở hữu chậm so với dự kiến trong phương án tài chính do vốn góp chủ sở hữu chỉ đạt 86%; vốn vay đạt 88% kế hoạch. Chưa cập nhật vào phương án tài chính thu nhập từ lãi tiền gửi phát sinh tại dự án năm 2019 và 2020 là 10,9 tỷ đồng.
Dự án xuất hiện nhiều yếu tố thay đổi ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án nhưng các bên chưa xem xét kịp thời trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh dự án theo quy định. Dự án đưa vào vận hành nhưng các bên chưa thỏa thuận dự toán chi phí quản lý thu phí làm cơ sở thực hiện, chậm lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng.
Được biết, dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng chiều dài gần 170km, với tổng mức đầu tư trên 12.189 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BOT. Dự án gồm hai hợp phần: xây dựng 64km đường cao tốc đoạn Km45+100 - Km108+500 và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500 dài 105km. Dự án sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian từ Hà Nội - Lạng Sơn từ 3,5 xuống còn 2,5 tiếng.
Trong báo cáo chỉ rõ sai phạm do Kiểm toán Nhà nước công bố lần này, có 10 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT bị gọi tên. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây được chỉ đích danh hàng loạt sai phạm.
Tổng số tiền sử dụng đất để hoàn vốn cho dự án đường trục phía nam tính theo hình thức hợp đồng BT là 6.586 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là để hình thành tuyến đường mới, nối từ Hà Đông đi xuyên qua các huyện phía nam Hà Nội và kết nối với các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình.
Cụ thể, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không xây dựng lịch trình thực hiện dự án, không xây dựng và thống nhất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kế hoạch, tiến độ huy động vốn phù hợp với tiến độ của dự án BT. Nhà đầu tư góp vốn không đủ theo hợp đồng BT, góp vốn 165 tỷ đồng/608 tỷ đồng, đạt 27,13%.
Ngoài ra, doanh nghiệp dự án chưa có kế hoạch, phương án thu xếp vốn để tiếp tục thực hiện dự án khi mới bố trí 2.429 tỷ đồng/6.076 tỷ đồng, thiếu 3.647 tỷ đồng. Hơn nữa, UBND TP Hà Nội cho phép dừng không thi công 21,5km đường còn lại tương đương 2.448 tỷ đồng nhưng không nêu lý do, thời gian và phương án xử lý. Hoặc đã đồng ý chủ trương cho nhà đầu tư thi công mở rộng Km0-Km6+600 nhưng chưa phê duyệt thiết kế cơ sở và ký phụ lục hợp đồng bổ sung.
Dự án vẫn đang thi công dang dở, vật liệu xây dựng tập kết lâu ngày chưa thi công bị cây, cỏ bủa vây.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền không xây dựng chi tiết kế hoạch giám sát dự án, thiếu sự kiểm tra giám sát việc bỏ vốn và huy động vốn của nhà đầu tư, ký phụ lục hợp đồng BT chưa phù hợp thẩm quyền.
Được biết, dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ được UBND tỉnh Hà Tây thông qua đề xuất dự án triển khai thực hiện vào tháng 12/2007. Dự án được thực hiện theo hợp đồng BT ngày 18/4/2008, trên cơ sở ký kết giữa Sở Giao thông Hà Tây với Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 – Cienco 5.
Bên cạnh đó, thời gian thực hiện thẩm tra quyết toán kéo dài tại dự án Đường vành đai phía Nam thành phố Hải Dương, đoạn từ cầu Tam Giang đến phía Bắc Cầu Hải Tân, kéo dài trên 5 năm. Hoặc chưa quyết toán đo đạc xác định diện tích đất thực tế giao cho nhà đầu tư như dự án Khu Thương mại - Du lịch - văn hoá và đô thị mới phía Tây thành phố Hải Dương.
Đối với dự án đầu tư xây dựng 04 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, theo Kiểm toán Nhà nước, do không kịp thời cập nhật chỉ số giá để tính lại chi phí dự phòng làm tăng tổng mức đầu tư 350,9 tỷ đồng…
Sau khi kiểm toán 10 dự án BT, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 1.801,86 tỷ đồng. Cụ thể, thu hồi nộp ngân sách 0,38 tỷ đồng, giảm thanh toán 0,52 tỷ đồng; xử lý khác 1.800,96 tỷ đồng.