Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán ITA) vừa có văn bản giải trình chênh lệch lợi nhuận trước và sau thuế giữa báo cáo tài chính năm 2019 với báo cáo tài chính năm 2020. Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2020 đạt 179 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2019, nguyên nhân chủ yếu do lợi nhuận gộp giảm vì chịu sự ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 nên thu hút đầu tư trong và nước ngoài giảm.
Còn so với báo cáo tự lập, báo cáo tài chính vừa được kiểm toán ghi nhận lợi nhuận tăng 1% (báo cáo tự lập lãi 177 tỷ đồng).
Trong báo cáo, kiểm toán viên đã nhấn mạnh nhiều vấn đề của ITA. Cụ thể, đến ngày 31/12/2020, tập đoàn đã ghi nhận 100% doanh thu cho toàn bộ thời gian cho thuê lại trên phần đất đã phát triển cơ sở hạ tầng tại Khu công nghiệp Tân Tạo - Khu Mở rộng với diện tích 921 ha và Khu công nghiệp Tân Đức với diện tích 1.651 ha. Giá vốn tương ứng bao gồm tiền thuê đất phải trả được ước tính dựa trên đơn giá thuê đất của các hợp đồng thuê đất hàng năm và các phụ lục có liên quan đã được ký kết với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại thời điểm ghi nhận doanh thu.
Theo Luật Đất đai số 45/2013/QH2013 và các Nghị định hướng dẫn, Tập đoàn có nghĩa vụ nộp tiền thuê đất cho Nhà nước một lần cho toàn bộ thời gian thuê tương ứng với phần diện tích đất đã được cho thuê lại nêu trên theo đơn giá trả tiền thuê đất một lần mà số tiền này có thể khác với số tiền đã được Tập đoàn trích trước.
Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xác định đơn giá này nên Tập đoàn vẫn chưa xác định được giá trị tiền thuê đất một lần cho toàn bộ thời gian thuê tương ứng với phần diện tích đất nêu trên tại Khu công nghiệp Tân Tạo - Khu Mở rộng và Khu công nghiệp Tân Đức.
Điều này có nghĩa là dù Tập đoàn đã trích trước tiền thuê đất cho phần diện tích đất này là 20,8 tỷ đồng, căn cứ vào các hợp đồng thuê đất và các phụ lục đã ký, tuy nhiên vẫn có rủi ro nghĩa vụ tài chính tăng thêm nếu tiền thuê đất thực tế cao hơn.
Lãnh đạo Tân Tạo thừa nhận vấn đề này và cho biết, Ban Tổng giám đốc đang trong quá trình làm việc với cơ quan nhà nước và nộp hồ sơ cần thiết đến các cơ quan Nhà nước. Kết quả sau cùng chưa xác định được. Do đó, Ban Tổng giám đốc quyết định trình bày khoản phải trả Nhà nước liên quan đến chi phí thuê đất này là khoản nợ tiềm tàng.
Một vấn đề khác kiểm toán cũng nhấn mạnh, tại ngày 31/12/2020, Tập đoàn ghi nhận khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng lượng Tân Tạo (TEDC) và Công ty Cổ phần Tân Tạo 2 (TEC 2) với tổng giá trị là 2.170 tỷ đồng và khoản phải thu từ TEDC và TEC2 và Công ty Cổ phần Năng lượng Tân Tạo (TEC) với tổng giá trị 1.392 tỷ đồng. Các khoản này phát sinh liên quan tới quá trình phát triển dự án Nhiệt điện Kiên Lương đang được thực hiện bởi TEC. Ban giám đốc của TEC đang trong quá trình chờ các phê duyệt cần thiết từ cơ quan nhà nước cho việc khởi động dự án này.
Ban Tổng giám đốc Tân Tạo giải trình đây là khoản đầu tư và công nợ của Tập đoàn liên quan đến dự án Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương. Khoản công nợ phải thu TEDC và giá trị khoản đầu tư vào TEDC và TEC2 được đảm bảo bằng tài sản là cơ sở hạ tầng đã được đầu tư và giá trị diện tích đất của dự án.
Dự án Nhiệt điện Kiên Lương thuộc Trung tâm Điện lực Kiên Lương đã được Bộ Công Thương và UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt với diện tích khoảng 280 ha; trong đó, Dự án nhiệt điện Kiên Lương 1 dự kiến chiếm khoảng 160 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD.
Dự án được chấp thuận đầu tư từ năm 2007. Ðây là dự án từng được kỳ vọng tạo nên bước đột phá cho ITA và các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, sau hơn chục năm dự án gần như không có biển chuyển trong tiến độ thực hiện. Dự án đã không được đưa vào danh sách phê duyệt các dự án điện theo Quyết định 428/QD-TTg của Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia ban hành tháng 3/2016. Mặc dù Ban giám đốc TEC đã có văn bản xin Chính phủ đưa dự án vào Quy hoạch điện 8 nhưng khả năng thu hồi vốn từ các dự án này của ITA còn là một dấu hỏi lớn với cổ đông.