Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiến nghị Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) tăng nộp vào ngân sách nhà nước 1.847 tỷ đồng. Đây là con số được đưa ra sau khi tiến hành kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 của Habeco và các đơn vị thành viên.
Số tiền 1.847 tỷ đồng bao gồm: gần 4,5 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng; hơn 441 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt; hơn 9 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp; 381 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân và gần 1.392 tỷ đồng các khoản phải nộp khác.
Bên cạnh các khoản tăng nộp, Habeco cũng được kiến nghị giảm các khoản phải thu ngân sách nhà nước gần 5,8 tỷ đồng.
Theo kết quả kiểm toán, doanh thu bán hàng năm 2016 của Công ty mẹ đạt gần 7.676 tỷ đồng, tăng 12,3% (tương đương 844 tỷ đồng) so với năm 2015. Trong đó, doanh thu từ việc bán 525,9 triệu lít bia là 6.629 tỷ đồng, doanh thu từ bán vật tư, nguyên liệu là 1.037 tỷ đồng, doanh thu từ kinh doanh khác hơn 9,5 tỷ đồng.
Nguồn vốn chủ sở hữu của Habeco tại thời điểm 31/12/2016 có giá trị gần 4.266 tỷ đồng, bao gồm: Vốn góp của chủ sở hữu là 2.318 tỷ đồng (54,3%); Quỹ đầu tư phát triển là 840 tỷ đồng (19,7%), còn lại là các khoản khác như lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, lợi ích của cổ đông không kiểm soát,…
Các khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ
79,6% chi phí bán hàng năm 2016 tập trung tại Công ty mẹ (gần 586 tỷ đồng) và Công ty TNHH MTV Thương mại Habeco (359 tỷ đồng). KTNN cho rằng Công ty mẹ đã thực hiện chi các chương trình, sự kiện vượt kế hoạch 4,7 tỷ đồng; hỗ trợ cho hệ thống phân phối thông qua Công ty TNHH MTV Thương mại Habeco vượt 22 tỷ đồng.
116 tỷ đồng chi phí bán hàng cũng được duyệt cho đối tượng không phải là khách hàng của Công ty mẹ, như chi phí hỗ trợ vận chuyển từ Công ty con đến Đại lý cấp 1; chi phí vật dụng quảng cáo hỗ trợ các nhà hàng; chi phí hỗ trợ theo sản lượng mua hàng cho khách hàng của Công ty TNHH MTV Thương mại Habeco.
Các gói mua sắm dịch vụ quảng cáo, tổ chức sự kiện, dịch vụ thương hiệu có giá trị trên 1 tỷ đồng đều được thực hiện trên cơ sở Tờ trình của Phòng Thị trường, nêu đích danh đơn vị thực hiện mà không có căn cứ, lý do phù hợp. Trong khi đó, Habeco quy định việc chỉ định thầu chỉ áp dụng đối với các gói hàng hóa, dịch vụ có giá trị trên 1 tỷ đồng trong trường hợp "các yếu tố bất khả kháng, do hàng hóa, dịch vụ có tính chất đặc chủng, do nhu cầu đột xuất và cấp thiết".
116 tỷ đồng chi phí bán hàng cũng được duyệt cho đối tượng không phải là khách hàng của Công ty mẹ.
Trong năm 2016, Công ty mẹ tổ chức 30 đoàn đi công tác nước ngoài nhưng Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại, quy trình quản lý đoàn ra, đoàn vào chưa được Habeco ban hành. Qua kiểm toán cho thấy, 24/30 đoàn có chương trình làm việc dự kiến của đoàn công tác; 19/30 đoàn có báo cáo kết quả công tác; hồ sơ, thủ tục pháp lý được hình thành hoặc lưu trữ không đầy đủ; chưa thực hiện việc báo cáo hoạt động đối ngoại và quản lý đoàn ra lên Bộ chủ quản.
Mặc dù Công ty mẹ đã chủ động loại trừ khỏi chi phí hợp lý, hợp lệ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp là 5,8 tỷ đồng, nhưng KTNN vẫn phát hiện một số khoản chi phí không hợp lý chưa được loại trừ đầy đủ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp là gần 2,8 tỷ đồng. Do đó Habeco phải tăng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 557 triệu đồng.
Quyền lợi các cổ đông Habeco đang bị ảnh hưởng
KTNN cũng chỉ rõ quyền lợi của các cổ đông Habeco đang bị ảnh hưởng do Công ty mẹ thiếu những quy định cụ thể hoặc không tuân thủ quy định trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước. Cụ thể:
Công ty mẹ có số dư tiền gửi ngân hàng lớn nhưng chưa có văn bản đánh giá, xếp hạng các tổ chức tín dụng, tham khảo lãi suất cạnh tranh để lựa chọn ngân hàng gửi tiền. Thay vào đó, việc gửi tiền dựa trên cơ sở là 01 bản chào lãi suất của ngân hàng đáo hạn hoặc ngân hàng gửi mới trong năm.
Việc phân loại, trình bày báo cáo tài chính chưa chính xác: trong khoản tương đương tiền hơn 206 tỷ đồng có 150 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn trên 4 tháng nhưng Công ty mẹ chưa phân loại vào đầu tư tài chính ngắn hạn.
Tại thời điểm 31/12/2016, nợ phải trả người bán là hơn 765 tỷ đồng của 251 đối tượng nợ. Nhưng Habeco chỉ đối chiếu xác nhận được 52 đối tượng nợ, giá trị đối chiếu xác nhận là 83%. Các khoản trả trước cho người bán chưa được đối chiếu có giá trị 56 tỷ đồng, chiếm 65,5% giá trị trả trước cho người bán.
Có 2 khoản nợ có khả năng mất vốn là khoản nợ của Công ty Cổ phần sữa Việt Mỹ 834 triệu đồng, của Công ty Cổ phần nhựa Đại Trường Phát 177 triệu đồng. Habeco đã phải trích lập dự phòng 958 triệu đồng cho 2 khoản nợ này.
KTNN đề nghị chia gần 374 tỷ đồng cho cổ đông khác và 1.679 tỷ đồng cho cổ đông nhà nước.
Theo Báo cáo tài chính năm 2016 của Habeco, số dư Quỹ đầu tư phát triển Habeco là 2.052 tỷ đồng (trong đó phần vốn Nhà nước có trong Quỹ là gần 1.679 tỷ đồng). Nhưng kết quả kiểm tra của KTNN cho thấy, tổng số dư Quỹ đầu tư phát triển công ty mẹ là 2.320 tỷ đồng (phần vốn nhà nước có trong Quỹ là 1.879,8 tỷ đồng).
Để đảm bảo hài hòa lợi ích các cổ đông, KTNN đề nghị Habeco hoàn nhập Quỹ đầu tư phát triển để chia cổ tức cho các cổ đông theo tỷ lệ vốn góp: gần 374 tỷ đồng cho cổ đông khác và gần 1.679 tỷ đồng cho cổ đông nhà nước. Trước mắt, KTNN đề nghị Habeco chia cổ tức theo số dư đầu tư tài chính ngắn hạn tại Báo cáo tài chính năm 2016 của Công ty mẹ là 1.533 tỷ đồng cho các cổ đông. Trong đó, chia cho các cổ đông khác trên 279 tỷ đồng và cổ đông nhà nước gần 1.254 tỷ đồng.