Ngày 14/9, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2021 và kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước.
Kiến nghị xử lý tài chính gần 52.100 tỷ đồng
Trình bày báo cáo công tác kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Trần Sỹ Thanh cho hay mặc dù đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội.
Trong đó, hoạt động kiểm toán song toàn ngành KTNN đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu, sát thực, tích cực đổi mới, với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm, trên quan điểm ưu tiên, tạo điều kiện tối đa cho công tác phòng, chống dịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán và thực hiện cải cách hành chính.
Theo kế hoạch, KTNN sẽ thực hiện 188 cuộc và dự kiến tổ chức thành 211 đoàn. Đến 31/8/2021, đã triển khai 144/211 đoàn, kết thúc 108 đoàn (đạt 51% kế hoạch), phát hành 83 báo cáo kiểm toán, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều đoàn đang triển khai phải dừng thực hiện (37 đoàn). Tổng hợp sơ bộ đến 31/8/2021 đối với 91 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 52.095 tỷ đồng; hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật.
Tổng KTNN Trần Sỹ Thanh. Ảnh: Quốc hội.
Kết quả kiểm toán cho thấy các đơn vị còn chưa chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật trong quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; quản lý tài sản, đất đai, tài nguyên khoáng sản; quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị; quản lý doanh thu, chi phí, công nợ,…
"Thậm chí có trường hợp hạch toán vào chi phí hợp lý một số khoản không hợp lý, không có căn cứ, làm giảm lớn số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp ngân sách Nhà nước; một số cơ chế chính sách chậm được sửa đổi và chưa sát thực tế, hiệu quả chính sách chưa cao…", Tổng KTNN cho hay.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, KTNN đã chuyển cơ quan điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán; cung cấp 151 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và xây dựng chương trình công tác.
Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, tổng hợp sơ bộ đến 31/8/2021, các đơn vị đã thực hiện 30.834 tỷ đồng, đạt 49,9% số kiến nghị, thấp hơn cùng kỳ năm trước (55,9%) do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều đơn vị KTNN không kiểm tra trực tiếp theo dự kiến. Trong 4 tháng còn lại của năm 2021, KTNN sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp đầu năm 2022 theo luật.
Thực hiện kiến nghị xử lý tài chính chưa cao
Bên cạnh những mặt đạt được, Tổng KTNN Trần Sỹ Thanh cũng thừa nhận công tác 8 tháng đầu năm 2021 vẫn còn một số hạn chế, tồn tại: Tiến độ thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2021 chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 nên một số đoàn kiểm toán triển khai, kết thúc muộn hơn so với dự kiến, thậm chí nhiều đoàn kiểm toán phải tạm dừng.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuy có nhiều chuyển biến song chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa khai thác, phát huy tối đa các phần mềm ứng dụng; việc sử dụng văn bản điện tử trong quản lý, điều hành đôi lúc chưa kịp thời, đầy đủ.
Ý kiến về dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm trình Quốc hội còn chưa đáp ứng yêu cầu kỳ vọng. Bên cạnh đó, việc tham gia các buổi thảo luận của Bộ Tài chính, thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về lập dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương chưa hiệu quả; nhiệm vụ trình ý kiến về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia chưa được thực hiện.
Công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán năm của một số đơn vị còn hạn chế, chưa đầy đủ thông tin nên còn tình trạng phải điều chỉnh. Kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị xử lý tài chính chưa cao, làm giảm hiệu lực kiểm toán.
Nói về nguyên nhân tồn tại trên, ông Trần Sỹ Thanh cho hay dịch COVID-19 diễn ra trên diện rộng và phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng hoạt động kiểm toán. Tính chủ động trong ứng dụng công nghệ vào hoạt động chuyên môn của một bộ phận công chức, viên chức chưa cao; chất lượng một số phần mềm ứng dụng chưa thân thiện với người dùng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường. Ảnh: Quốc hội.
KTNN chưa được tiếp cận kịp thời, đầy đủ thông tin về dự toán của các đơn vị và phương án phân bổ ngân sách hàng năm nên bị động và hạn chế về thời gian tham gia ý kiến. Việc đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong quá trình lập kế hoạch kiểm toán chưa phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị phần nào ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, các cuộc kiểm toán kết thúc cơ bản thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN năm 2021 thấp hơn so với các năm trước.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Kiểm toán Nhà nước bổ sung, làm rõ chi tiết danh mục các văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế; bổ sung báo cáo việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị còn tồn đọng từ những năm trước; làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và cung cấp danh sách cụ thể các cơ quan, đơn vị không thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của KTNN qua từng năm...