UBND tỉnh Kiên Giang vừa có văn bản phản hồi Công ty Cổ phần Năng lượng Tân Tạo về việc Dự án nhiệt điện Kiên lương 1. Đây là dự án do Tập đoàn Tân Tạo là chủ đầu tư.
Trước đó, Tập đoàn Tân Tạo đã có văn bản gửi các đơn vị chức năng phản ánh một số thông tin liên quan tới Nhiệt điện Kiên Lonng 1 và cho rằng chính việc loại dự án ra khỏi quy hoạch là nguyên nhân chính dẫn đến việc dự án không thể triển khai được.
Theo tập đoàn này từ khi ngừng dự án Kiên Lương 1, doanh nghiệp đã chịu rất nhiều sức ép từ đối tác là các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, nếu muốn thu hồi dự án, Tập đoàn đề nghị được đền bù thoả đáng cho cả tập đoàn Tân Tạo và cho các nhà đầu tư nước ngoài vì đã đầu tư rất nhiều vào dự án.
Tập đoàn Tân Tạo cho biết, để phát triển dự án này, họ đã đầu tư 270 triệu USD và hiện nay vẫn phải trả lãi cho khoản đầu tư này. Do đó, Tập đoàn Tân Tạo đó là cần bổ sung dự án Kiên Lương 1 vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia nhằm đầu nối với hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Phản hồi kiến nghị của Tân Tạo, UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, năm 2016, tỉnh Kiên Giang đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không đưa Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch 7) điều chỉnh và thu hồi chủ trương đầu tư Cảng nước sâu Nam Du của công ty.
Tại cuộc họp với thu hồi chủ trương đầu tư Trung tâm Điện lực Kiên Lương và Cảng nước sâu Nam Du, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kết luận lý do là do tiến độ triển khia chậm, chủ trương phát triển nhà máy nhiệt điện tua bin khí hỗn hợp tại tỉnh Kiên Giang sử dụng khí Lô B dẫn đến việc Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 và Kiên Lương 2 không nằm trong danh mục các dự án nguồn điện giai đoạn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công Thương đánh giá lại toàn diện tình hình triển khai dự án nhà máy điện và cảng, kể cả xác định khối lượng và chi phí cụ thể của chủ đầu tư đã thực hiện đối với dự án. Xem xét tính cần thiết và phù hợp của việc xây dựng Nhà máy điện Kiên Lương, tính đến cả phương án chuyển đổi nguyên liệu phù hợp sử dụng cho các dự án. Đánh giá kỹ về khả năng thực hiện của nhà đầu tư được giao phát triển các dự án.
"Hiện tại, Bộ Công Thương đã tiến hành các công việc rà soát, đánh giá lại quá trình triển khai đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương 1 và Cảng Nam Du và đã có báo cáo gửi Chính phủ", báo cáo nêu. Theo đó, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng việc thu hồi chủ trương đầu tư trung tâm điện lực Kiên Lương và cảng nước sâu Nam Du.
Đối với kiến nghị của Tân Tạo về việc bổ sung dự án vào Quy hoạch 7, UBND Kiên Giang cho rằng đây là thẩm quyền của các Bộ, ngành Trung ương trên cơ sở xem xét sự cần thiết và tính phù hợp phát triển trong giai đoạn tới.
"Dự án trong các năm qua rất chậm, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xét thấy công ty không có khả năng thực hiện dự án, liên tục không thực hiện được các cam kết tiến độ, cùng với việc dự án bị đưa ra Quy hoạch 7, UBND tỉnh Kiên Giang giữ nguyên đề nghị thu hồi dự án. Các bên sẽ có trách nhiệm xử lý vấn đề tồn tại liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ theo quy hoạch của pháp luật hiện hành", văn bản viết.
Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương đầu tư Trung tâm Điện lực Kiên Lương. Theo đó, tỉnh Kiên Giang đã cấp giấy chứng nhận xây dựng Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương 1 quy mô 2x600MW, tổng vốn đầu tư 45.792 tỷ đồng.
Từ đó, công ty đã triển khai các bước thủ tục và thực hiện các công tác giải phóng mặt bằng, san lấp khu vực xây dựng nhà máy điện… Tuy nhiên, từ năm 2011, dự án bắt đầu đình trệ, chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và cũng không thực hiện thủ tục xin gia hạn nộp tiền.
Mặc dù UBND tỉnh Kiên Giang nhiều lần thúc giục và tổ chức các cuộc gặp giữa các bên song công ty vẫn không thực hiện dự án.
Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 có công suất 1.200 MW, gồm 2 tổ máy, mỗi tổ công suất 600 MW. Dự án thuộc Trung tâm Điện lực Kiên Lương đã được Bộ Công Thương và UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt với diện tích khoảng 280 ha; trong đó, Dự án nhiệt điện Kiên Lương 1 dự kiến chiếm khoảng 160 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD.