Thép, nhôm Việt Nam đang bị áp mức thuế rất cao khi xuất khẩu sang Mỹ với mức 25% đối với thép và 10% đối với nhôm sau quyết định hồi đầu tháng 3. Một số mặt hàng khác của Việt Nam cũng có thể đối mặt với nguy cơ này trong bối cảnh những căng thẳng về thương mại quốc tế liên tục diễn ra.
Nếu kiện tụng là điều không thể tránh khỏi nhằm đảm bảo các yếu tố quyền lợi, Việt Nam liệu có cơ hội thắng Mỹ khi phân xử tại WTO?
Trả lời Trí Thức Trẻ, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo xã hội quốc gia (NCIF), Bộ KHĐT cho biết cơ hội thắng tuỳ thuộc vào từng vụ việc cụ thể và bằng chứng mà mỗi bên đưa ra với Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) của WTO.
TS. Trần Toàn Thắng. Ảnh: Mai Lân
Tính đến năm 2016, Việt Nam đã tham gia 17 vụ việc liên quan đến giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO, trong đó có 3 vụ việc với tư cách nguyên đơn.
"Thực tế thì Việt Nam cũng có những lúc thắng", ông Trần Toàn Thắng cho biết và dẫn ra vụ kiện với Mỹ về tôm đông lạnh. Cụ thể, theo phán quyết của DSB của WTO, Mỹ đã dỡ bỏ áp thuế chống bán phá giá với tôm của Công ty Minh Phú.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng thừa nhận quá trình kiện tụng này khá phức tạp và tốn nhiều thời gian, chi phí. Một điểm bất lợi cho Việt Nam là đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn chưa công nhận chúng ta là một nền kinh tế thị trường.
Bên cạnh đó, đối với những căng thẳng ngày một tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới là Mỹ và Trung Quốc dẫn đến lo ngại về cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu, quan điểm của ông Thắng là khó có thể xảy ra một cuộc chiến quy mô lớn. Ông cho rằng xung đột nhỏ có thể xảy ra nhưng trong tầm kiểm soát bởi các bên đều ý thức được thiệt hại.
"Có thể xem việc đe doạ chiến tranh thương mại là công cụ của bài toán lợi ích", ông nói.
Mỹ trở nên hung hăng với các chính sách tạo dựng rào cản, mấu chốt nằm ở việc thâm hụt thương mại với các nước khác, trong đó có Trung Quốc. Với chiến lược từ bỏ các hiệp định đa phương chuyển sang ký hiệp định song phương, nguy cơ từ chiến tranh thương mại là công cụ tốt để ông Trump kiếm lợi khi đàm phán song phương cũng như quá trình đàm phán lại các FTA.
Ông Thắng nhấn mạnh những ảnh hưởng từ vấn đề này có tính hai chiều và cho biết nếu chiến tranh thương mại chỉ là cục bộ giữa Mỹ - Trung, Việt Nam sẽ có cơ hội tốt để xuất khẩu sang Mỹ.
Tuy nhiên, rủi ro ngược lại là khi không xuất khẩu được sang Mỹ, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Đơn cử như câu chuyện thép, việc thép Trung Quốc không xuất sang Mỹ sẽ đổ vào Việt Nam có thể khiến giá giảm xuống, gây tác động tới các doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, người dùng sẽ được hưởng lợi nếu nhìn theo nhu cầu.
Cũng theo ông Thắng, chiến tranh thương mại cũng sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên tăng trưởng năm 2017 có nhiều thuận lợi từ tác động của toàn cầu hóa. Tuy nhiên, nếu chiến tranh thương mại nổ ra, Việt Nam có thể khó đạt được các mục tiêu tăng trưởng.