Theo đó, Tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài có tổng mức đầu tư 650 triệu USD, dài gần 85km, quy mô 6-8 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/giờ, dự kiến đưa vào vận hành sau năm 2020.
Dự án có điểm đầu tại nút giao Thủ Đức (giao giữa Quốc lộ 1 và đường vành đai 3, quận 9, TP.HCM). Điểm cuối tại ngã tư giao quốc lộ 22 với đường tỉnh 786, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Mới đây, Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh Tây Ninh về việc cần sớm triển khai tuyến đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh này vào sáng 21/8.
Thủ tướng kết luận, trong tháng 9/2018, Bộ Giao thông vận tải phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiền khả thi tuyến đường này, để từ đó Thủ tướng có chủ trương cụ thể về giải phóng mặt bằng của tuyến đường, tiếp tục triển khai sớm tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài từ những nguồn lực khác nhau để tiến hành khởi công sớm nhất.
Theo Ban Quản lý dự án 7, khi hoàn thành, đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ kết nối từ Khu đô thị Mộc Bài với các đường vành đai 4, vành đai 3 của TP.HCM để tạo thành một mạng lưới liên hoàn giữa các tuyến giao thông đối ngoại và trở thành cửa ngõ ra vào TP.HCM.
Đồng thời, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu và các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực ASEAN (Bangkok - Phnom Penh - TP.HCM).
Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 3 nhà đầu tư đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải tham gia đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Cụ thể: Liên danh nhà đầu tư Thái Sơn- Cái Mép- Sông Hồng-ITNL vừa có đề xuất lên Bộ GTVT tham gia đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM-Mộc Bài theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu cho biết thêm Đại lộ ven sông Sài Gòn nếu thành hiện thực sẽ tăng thêm tuyến giao thông trục chính về phía Tây Bắc TP.HCM, phá thế độc đạo của Quốc lộ 22, tức đường Xuyên Á hiện nay.
Song song đó, một khi đại lộ ven sông được đầu tư sẽ giúp kết nối với Quốc lộ 22, phát triển cả vùng Tây Bắc của thành phố gồm quận Gò Vấp, quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi. Không những thế còn giúp phát triển khu vực huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương; huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
"Ngoài ra, việc kết nối Quốc lộ 22 và Đại lộ ven sông Sài Gòn còn tạo điều kiện phát triển khu đô thị Tây Bắc thành phố 9.000ha đã quy hoạch hơn 15 năm nay vẫn chưa thực hiện được", ông Châu nói thêm.
Tuy nhiên, theo ông Châu để tăng tính khả thi của dự án thì thành phố sẽ phải đưa ra đấu thầu từng dự án thành phần. Hiện nay, TP.HCM cũng đang điều chỉnh quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông đến năm 2030, do vậy cần thiết bổ sung dự án này vào một phần tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài nhằm tận dụng quỹ đất hiện hữu của địa phương.
Trước đó, đầu năm 2017 các đơn vị thuộc tập đoàn Tuần Châu đã tiến hành khảo sát, xây dựng và đề xuất với TP.HCM một loạt các dự án mang tính đột phá tại huyện Củ Chi, gồm: dự án Sài Gòn New City; Đại lộ ven sông Sài Gòn và hồ cảnh quan Trung tâm thành phố mới; dự án khu đô thị Cảng và bến du thuyền, thiền viện, du lịch tâm linh, biển nhân tạo, tạo sóng cao 3m lọc nước sạch, bảo đảm cho 10 nghìn người tắm tại huyện Cần Giờ và dự án di dời chợ "tử thần" Kim Biên.
Trong đó, dự án quan trọng nhất chính là tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn có chiều dài khoảng 61 km, nối từ cầu Bến Súc (huyện Củ Chi) dọc theo sông Sài Gòn đi về điểm cuối là ngã ba Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, đi qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, Bình Thạnh, quận 1.
Theo tính toán của nhà đầu tư, khi đại lộ ven sông hoàn thành (sau 18 tháng triển khai), sẽ tạo ra điểm nhấn cho TP.HCM và tạo ra quỹ đất có giá trị dọc theo con đường có diện tích gấp 15 lần diện tích khu đô thị Phú Mỹ Hưng và Thủ Thiêm cộng lại.