Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận sau 10 năm triển khai, mới đạt 25% khối lượng công việc, chậm so với yêu cầu đặt ra.
Tại buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay, Bộ đã hoàn thành bàn giao cơ quan đại diện nhà nước của dự án về tỉnh Tiền Giang. Tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành điều chỉnh dự án, bổ sung các cơ chế, chính sách mới, tập trung giải phóng mặt bằng (99,34%) để cùng với Bộ và nhà đầu tư hoàn thành thông xe kỹ thuật trong năm 2020 và hoàn chỉnh thảm nhựa toàn tuyến trong năm 2021.
Bộ Giao thông Vận tải thẩm định việc điều chỉnh kỹ thuật với các dự án ở vùng đất yếu để đạt tiến độ và được tỉnh phê duyệt dự án điều chỉnh. Ngoài ra, Bộ cũng đã thẩm định xong một số hồ sơ gói thầu của nhà thầu là Tập đoàn Đèo Cả.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề thu xếp vốn tiếp tục đầu tư dự án.
Với tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là hơn 12.500 tỷ đồng, hiện nay, vốn của các nhà đầu tư đã huy động 2.787 tỷ đồng và có thể thu xếp lên được 3.400 tỷ đồng, vốn từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2018 là 2.186 tỷ đồng (dự kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tháng 9 tới).
Ngoài ra, hơn 7.000 tỷ đồng vốn tín dụng mà các ngân hàng thương mại (Vietinbank, BIDV và Agribank) cung cấp nếu các nhà đầu tư nâng vốn góp lên 3.400 tỷ đồng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt sử dụng nguồn vượt thu nói trên.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội sẽ hoàn thành báo cáo thẩm tra sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2018 để bố trí cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 9 tới.
"Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết sử dụng nguồn này thì chúng tôi sẽ có thủ tục chuyển nguồn, trình Thủ tướng giao vốn ngay. Khi chuyển sang Tiền Giang thì là bố trí vốn cấp theo mục tiêu cho địa phương. Đây là tiền 'tươi' từ vượt thu ngân sách Trung ương nên chuyển được ngay", ông Trần Xuân Hà thông báo.
Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình quyết thì Chính phủ lập tức có văn bản giao vốn cho Tiền Giang ngay. Các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư không phải lo lắng việc này.
Phó thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục ứng vốn đủ mức 3.400 tỷ đồng vốn góp vào dự án trong tháng 9 tới. Đồng thời, thực hiện đàm phán ngay với các ngân hàng hợp đồng tín dụng để khi Thủ tướng và tỉnh Tiền Giang giao vốn thì ký hợp đồng tín dụng trong tháng 9 và đẩy mạnh triển khai dự án ngay trong tháng 9/2019.
Ngoài Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ còn cho biết, Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội bố trí hơn 900 tỷ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương để tập trung cho Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ dài 23,6km; Giai đoạn 1, phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, tổng mức đầu tư khoảng 5.408 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt quy mô hoàn thiện 6 làn xe là 932 tỷ đồng (chưa bao gồm xây dựng nút giao hoàn chỉnh QL80); Nhà nước hỗ trợ bằng quyền thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương khoảng 4 năm 4 tháng kể từ tháng 9/2028.
Đến ngày 21/6/2017, Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (hiệu lực thi hành từ 1/1/2018), trong đó có những quy định mới về quản lý và khai thác tài sản công là kết cấu hạ tầng giao thông, việc tiếp tục sử dụng hỗ trợ của Nhà nước bằng quyền thu phí cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương không còn phù hợp.
Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 932 tỷ đồng vốn Nhà nước hỗ trợ cho dự án.