Giá xuất khẩu năm mới sẽ tăng?
Lô hàng vừa được Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, đại diện VASEP và cảng Cát Lái – Tân Cảng Sài Gòn nhấn nút xuất khẩu gồm 20 tấn tôm đông lạnh, 20 tấn cá biển và 22 tấn cá tra phi lê có tổng giá trị gần 600.000 USD, được xuất sang Canada, Mỹ và Anh. Đây cũng là những thị trường lớn truyền thống của thuỷ sản Việt Nam.
Năm 2017 được xem là năm “được mùa” của xuất khẩu tôm khi giá trị kim ngạch đạt 3,8 tỷ USD. Ảnh: I.T
Ông Ngô Văn Ích - Chủ tịch VASEP cho rằng, sự kiện này như một lời cam kết, đánh dấu sự bắt đầu cho hành trình tiến tới mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào năm 2020.
Riêng năm 2017, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả về nguồn nguyên liệu trong nước và các rào cản tại thị trường xuất khẩu, nhưng ngành thủy sản đã hoàn thành vượt mức kế hoạch xuất khẩu với kim ngạch đạt 8,3 tỷ USD. Trong năm 2018, ngành thủy sản đặt mục tiêu đem về 8,5 tỷ USD, đồng thời tập trung xây dựng chuỗi giá trị bền vững, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn nhận định, dù gặp nhiều khó khăn ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, nhưng bù lại, nhu cầu tiêu thụ thủy sản Việt Nam ở thị trường Trung Quốc rất lớn. Đây cũng là tín hiệu vui cho DN.
Vấn đề còn lại, theo bà Khanh, là DN phải biết “chọn mặt gửi vàng”, biết chọn đối tác để làm ăn và cương quyết giữ vững lập trường về vấn đề chất lượng sản phẩm. “Nghĩa là sẽ có những đối tác làm ăn kiểu hớt bọt, muốn giá rẻ… Tuy nhiên, DN phải biết từ chối những đơn hàng có thể ảnh hưởng tới tên tuổi, uy tín của mình, phải lấy tiêu chí chất lượng để phát triển bền vững” - bà Khanh nói.
Năm 2018, ngành thủy sản cũng sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức cả về nuôi trồng lẫn khai thác. Ảnh: I.T
Bà Khanh cũng dự báo, do thời tiết thất thường, ảnh hưởng tới nuôi trồng nên nguồn nguyên liệu cá tra trong năm 2018 có thể tiếp tục hạn chế, chỉ ở mức tương đương hoặc thấp hơn năm 2017. Trong khi đó, nhu cầu đang tăng cao nên giá bán sản phẩm năm nay chắc chắn sẽ cao hơn năm 2017 vừa qua, dù 2017 đã được đánh giá là năm bội thu của cá tra, giá nguyên liệu và xuất khẩu đều ở mức cao.
Tập trung “mũi nhọn” hàng giá trị gia tăng
Trong 8,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2017, tỷ lệ các sản phẩm giá trị gia tăng (GTGT) ngày càng cao. Cụ thể như sản phẩm tôm chân trắng liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua. Năm 2017, riêng tôm chân trắng có giá trị xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD, gấp 3 lần giá trị xuất khẩu tôm sú. Đặc biệt, tỉ lệ hàng GTGT chiếm đến 50% lượng tôm thẻ xuất khẩu.
Tại thị trường châu Âu, DN đang kiến nghị Bộ NNPTNT hỗ trợ làm truyền thông cho cá tra, lấy lại niềm tin ở người tiêu dùng. Khi đó nhu cầu mới tăng theo được”. Bà Trương Thị Lệ Khanh |
Do đó, VASEP cho rằng, ngành thủy sản trong tương lai cần được định hướng phát triển ở góc độ “gia tăng giá trị” cho sản phẩm, từ công nghệ chế biến, an toàn thực phẩm, hình thức bao gói, thông tin sản phẩm đến sự tiện lợi, chứng nhận, truyền thông quảng bá… Một số mặt hàng của Việt Nam đã bắt đầu làm được việc đó, như tôm chân trắng, cá ngừ đóng hộp, cua thịt đóng hộp, surimi…
VASEP cũng kiến nghị với Chính phủ và Bộ NNPTNT lấy mục tiêu GTGT làm định hướng các chỉ đạo, các chương trình ở phạm vi cấp quốc gia, đặc biệt là các chương trình kết nối thị trường, thông tin sản phẩm, truy nguyên nguồn gốc, chứng nhận xuất xứ… Ngoài ra, cần rà soát, bổ sung chương trình tái cơ cấu ngành hoặc xây dựng riêng chương trình “Gia tăng giá trị nông - thủy sản Việt Nam” đến năm 2025.
Tại Công ty CP Vĩnh Hoàn, khi được hỏi về mục tiêu 2018, bà Khanh cho biết, DN đặt mục tiêu phát triển các sản phẩm GTGT, với cơ cấu không dưới 10 và sẽ tăng lên trên 20% vào năm 2020.
Dẫu vậy, các DN vẫn còn chồng chất khó khăn tại các thị trường lớn, như ở Mỹ, chương trình giám sát cá da trơn đã được áp dụng, hai bên đang tiến hành các bước xác minh để chứng nhận tương đương. Trong khi các rào cản về thuế chống bán phá giá vẫn đang được áp dụng, DN “một cổ nhiều tròng”.