Tại Hội thảo chuyên đề "Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: Thực trạng và giải pháp" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 10/7, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng nhanh qua các năm.
Tính riêng năm 2016, số thu về sắc thuế nội địa không kể dầu thô của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 161.608 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2015.
Hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước năm 2016 ở mức cao song tình trạng doanh nghiệp thua lỗ chiếm tỷ trọng lớn và tiếp tục tăng so với những năm trước.
Tỷ lệ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài báo lỗ và lỗ mất vốn năm 2016 giảm so với năm 2015 tuy nhiên vẫn cao hơn các năm 2012, 2013 và 2014. Tỷ lệ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lỗ lũy kế đến hết năm 2016 là 61% cao hơn các năm từ 2012-2015.
Số liệu phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài từ năm 2012 đến năm 2016 cho thấy, số lượng doanh nghiệp có vốn FDI báo lỗ hàng năm từ 44% đến 51%. Đặc biệt, năm 2015 là 51% và năm 2016 là 50% trên số lượng doanh nghiệp báo cáo.
Đồng thời, tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ luỹ kế cao hơn tốc độ tăng về số lượng doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ lũy kế.
Tình trạng này cho thấy chuyển giá của khu vực FDI ngày càng gia tăng và phức tạp.
Số doanh nghiệp báo lỗ qua từng năm.
Bên cạnh hiện tượng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài của nhóm doanh nghiệp FDI, theo đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, còn xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược từ nước ngoài vào Việt Nam của một bộ phận doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong nước nhằm được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thời gian miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Điều này thể hiện qua số liệu về tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong một số ngành vẫn luôn duy trì ở mức cao như Linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi; Viễn thông, phần mềm.
Chuyển giá giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong nước có quan hệ liên kết và được hưởng các ưu đãi thuế thu nhập khác nhau. Một số dự án quy mô lớn được hưởng ưu đãi rất lớn về thuế thu nhập doanh nghiệp chẳng hạn như Dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh và Thái Nguyên có hiệu quả hoạt động rất cao, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2015 lần lượt là 30,1% và 61,4%; năm 2016 là 26% và 49%. Trong khi đó, các dự án sản xuất phụ trợ đi cùng có hiệu quả kinh tế thấp.
"Những đóng góp của doanh nghiệp FDI vào ngân sách Nhà nước hiện nay còn thấp, chưa xứng với nguồn tài nguyên sử dụng và việc đảm bảo môi trường mà một trong những nguyên nhân do doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao như tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để thực hiện chuyển giá, chuyển lợi nhuận", vị này khẳng định.
Do đó, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ chế kiểm soát để hạn chế các doanh nghiệp có dòng vốn FDI lỗ luỹ kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng để được hưởng ưu đãi thuế.
Liên quan đến ưu đãi đầu tư các doanh nghiệp FDI, tại cuộc hội thảo về chính sách thu hút FDI diễn ra chiều 9/7, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, đang có sự cạnh tranh ngầm để thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài giữa các tỉnh thành, địa phương với nhau.
Điều này dẫn đến các dự án có vốn đầu tư nước ngoài cơ hội đi một vòng để lựa chọn địa bản nào có chính sách ưu đãi tốt nhất.
"Nhiều dự án họ đến một tỉnh nhưng bị từ chối vì ảnh hưởng đến môi trường nhưng sang tỉnh liền kề thì dự án này lại được chấp nhận. Điều này dẫn đến tình trạng cạnh tranh xuống đáy để thu hút FDI. Do đó cần phải tính toán lại, xây dựng lại chiến lược thu hút đầu tư FDI", ông Đậu Anh Tuấn nói.