Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính về phương án tăng vốn điều lệ đối với VietinBank.
Ràng buộc bởi nhiều giới hạn
Theo VietinBank, khác với các NHTM cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ khác, ngân hàng này không thể thực hiện tăng vốn thông qua các giải pháp phát hành thêm cho nhà đầu tư do bị ràng buộc ở nhiều giới hạn.
Cụ thể, theo quyết định 58 của Chính phủ, giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các NHTM cổ phần có vốn nhà nước không thấp hơn 65%. Hiện nay tỷ lệ này tại VietinBank là 64,46%, thấp hơn mức tối thiểu theo quy định.
Thêm vào đó, giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa 30% (tỷ lệ này tại VietinBank luôn duy trì ở mức tối đa 30%).
Ngoài ra, khối lượng trái phiếu thứ cấp được tính vào vốn cấp 2 bị giới hạn ở mức tối đa 50% vốn cấp 1. Hiện tại tỷ lệ này của VietinBank đã gần chạm ngưỡng tối đa, do đó tiến độ tăng vốn cấp 1 cũng đồng thời ảnh hưởng đến khả năng tăng vốn cấp 2 của VietinBank.
“Do tình hình vốn mỏng và tỷ lệ CAR đang tiến sát ngưỡng tối thiểu, việc tăng vốn điều lệ và bổ sung vốn Nhà nước đối với VietinBank hiện là yêu cầu vô cùng cấp thiết và cấp bách đối với sự phát triển bền vững của VietinBank”, văn bản của VietinBank nhấn mạnh.
Kiến nghị Nhà nước rót 18.938 tỷ tăng vốn giai đoạn 2017 -2020
Trên cơ sở tình hình trên, VietinBank trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng Phương án tăng vốn điều lệ cho VietinBank với các phương pháp đề xuất nguồn tăng vốn.
Cụ thể, các nguồn tăng vốn bao gồm: Nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; Nguồn vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện mua cổ phần của các doanh nghiệp; Nguồn từ Quỹ dự trữ ngoại hối Nhà nước; Các nguồn hợp pháp khác.
Phía VietinBank ước tính tổng mức vốn thiếu hụt trong cả giai đoạn 2017 - 2020 là 42.805 tỷ đồng; trong đó, năm 2017 là 4.180 tỷ đồng, năm 2018 là 24.903 tỷ đồng, năm 2019 là 6.477 tỷ đồng, năm 2020 là 7.245 tỷ đồng.
Vẫn theo tính toán từ VietinBank, mỗi năm ngân hàng này có thể tăng vốn từ nguồn nội tại (nguồn cổ tức/lợi nhuận đề nghị giữ lại) 2.606 tỷ đồng, tổng cộng 4 năm là 10.426 tỷ đồng. Đồng thời phát hành công cụ vốn cấp 2 giai đoạn 2018 – 2020 mỗi năm 1.000 tỷ đồng, tổng cộng 3 năm là 3.000 tỷ đồng.
Như vậy, nguồn vốn bổ sung từ bên ngoài là 29.379 tỷ đồng. VietinBank đề xuất toàn bộ lượng vốn bổ sung từ bên ngoài trên được huy động bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Với tỷ lệ sở hữu 64,46%, phía VietinBank kiến nghị cổ đông Nhà nước chi tổng cộng 18.938 tỷ đồng tăng vốn cho VietinBank giai đoạn 2017 - 2020, phân bổ qua các năm là 1.014 tỷ (năm 2017), 13.728 tỷ (năm 2018), 1.850 tỷ (năm 2019), 2.345 tỷ (năm 2020).