Năm 2020, nhiều quốc gia nhập khẩu tiếp tục khởi xướng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Số lượng các vụ việc điều tra PVTM mới đối với hàng xuất khẩu Việt Nam năm 2020 đạt mức cao nhất, với 39 vụ việc, tăng 2,5 lần so với năm 2019.
Nhiều ngành sản xuất bị thiệt hại bởi hàng hóa nhập khẩu đã có hồ sơ đề nghị khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp PVTM. Bên cạnh đó, xu thế theo dõi, điều tra, áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ gia tăng.
Tuy nhiên trong năm 2020, Bộ Công Thương cũng đã nỗ lực xử lý hiệu quả các vụ việc PVTM, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Nhờ đó cho tới nay, Việt Nam đã kháng nghị thành công 65 vụ việc, giúp nhiều DN, mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc rất thấp (kể cả đối với một số mặt hàng nông sản, thủy sản), duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Canada...
Phần lớn các DN (chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe ô-tô của Việt Nam sang Mỹ) được DOC xác định không bán phá giá. Ảnh minh họa.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, trong năm vừa qua, công tác áp dụng các biện pháp PVTM đã được Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng đẩy mạnh, góp phần bảo vệ, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước.
Các công cụ PVTM được sử dụng phù hợp cam kết quốc tế đã mang lại những hiệu quả nhất định như: Giúp giảm áp lực từ sự gia tăng của hàng hóa nhập khẩu; giúp doanh nghiệp giảm thiểu, khắc phục thiệt hại gây ra do sự gia tăng đột biến/cạnh tranh không bình đẳng của hàng hóa nhập khẩu; bảo vệ, phát triển các ngành sản xuất trong nước trước áp lực cạnh tranh của hàng nhập khẩu; ngăn chặn nguy cơ cản trở việc hình thành một ngành sản xuất mới trước áp lực gia tăng đột biến/cạnh tranh bất bình đẳng của hàng hóa nhập khẩu...
"Công tác PVTM đạt kết quả nổi bật, được triển khai toàn diện, góp phần bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của Việt Nam trong bối cảnh tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới. Bộ Công Thương đã nỗ lực xử lý hiệu quả các vụ việc PVTM, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam", đại diện Cục PVTM chỉ rõ.
Điển hình trong năm 2020, Bộ Công Thương đã có cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện để DN chủ động xây dựng kế hoạch xử lý; trao đổi kịp thời với hiệp hội, DN, từ đó cung cấp thông tin cập nhật, giúp DN nắm được diễn biến vụ việc; tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho DN...
Một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc thuộc diện điều tra chống bán phá giá tại Việt Nam.
Đến nay, Bộ Công Thương đã điều tra 22 vụ việc PVTM, gồm 14 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ. Các biện pháp này bao phủ nhóm lĩnh vực và sản phẩm đa dạng, cụ thể là các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, màng BOPP, nhôm thanh định hình, ván gỗ, sợi filament, đường lỏng HFCS, đường mía, sorbitol,...
Trong số đó, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng 7 biện pháp chống bán phá giá, 5 biện pháp tự vệ và 1 biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ. Riêng trong năm 2020, Việt Nam đã khởi xướng điều tra hoặc áp dụng biện pháp PVTM với 8 vụ việc.
Các biện pháp PVTM này đã góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước (ước tính chiếm khoảng 5,12% GDP của Việt Nam), giúp nhiều doanh nghiệp cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất, bảo vệ công ăn việc làm của hơn 150.000 người lao động trực tiếp thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất quan trọng.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm đường lỏng HFCS và điều tra áp dụng biện pháp CBPG và chống trợ cấp với sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan. "Hai vụ việc này sẽ góp phần bảo vệ hoạt động của ngành mía đường Việt Nam nói chung và người nông dân trồng mía nói riêng", đại diện Cục PVTM chỉ rõ.