Liên quan tới thông tin về tình trạng hàng loạt doanh nghiệp được UBND tỉnh Gia Lai cho thuê đất với giá rẻ, mới đây, UBND tỉnh Gia Lai ban hành văn bản yêu cầu một loạt các ngành Tài nguyên Môi trường, Tài chính, Tư pháp, Thanh tra địa phương tìm hiểu, đề xuất phương án xử lý 6 doanh nghiệp sai phạm theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước khu vực XII.
Khách sạn Tre Xanh, thuộc Công ty Cổ phần Gia Lai CTC, một trong số doanh nghiệp trục lợi tiền tỷ từ việc cho thuê lại đất công giá rẻ.
|
Cụ thể, 6 doanh nghiệp bị Kiểm toán Nhà nước khu vực XII chỉ đích danh đã được UBND tỉnh Gia Lai cho thuê đất hàng năm với giá rẻ để sản xuất, kinh doanh nhưng đã cho thuê lại đất với giá cao, thu lợi hàng tỷ đồng, bao gồm: Công ty Cổ phần Du lịch Gia Lai (4 vị trí, thu lợi 4,8 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi Gia Lai (5 vị trí, thu lợi 2,7 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Gia Lai CTC (4 vị trí, thu lợi hơn 1,1 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Xây dựng và Xây lắp điện Gia Lai (1 vị trí, thu lợi, 1,3 tỷ đồng); Công ty Cổ phần thương mại Ia Grai (2 vị trí, thu lợi hơn 1,9 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Thương mại Gia Lai (2 vị trí, thu lợi hơn 1,2 tỷ đồng).
Ngoài ra, có 2 doanh nghiệp trong số này là Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi, Công ty Cổ phần Thương mại Gia Lai sử dụng giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất để góp vốn liên doanh, liên kết.
Nhằm xử lý thực trạng này theo đề nghị của cơ quan kiểm toán, UBND tỉnh Gia Lai đã giao Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh chủ trì, phối hợp với một số ngành thực hiện kiểm tra, kiến nghị xử lý.
Kết quả tại báo cáo số 275/BC-STNMT của Sở Tài nguyên Môi trường Gia Lai khẳng định, việc các doanh nghiệp này cho thuê lại đất công chưa phù hợp với quy định tại Luật Kinh doanh Bất động sản. Theo luật hiện hành, hành vi này có thể bị xử phạt từ 250 - 300 triệu đồng, kèm hình phạt bổ sung là đình chỉ kinh doanh 12 tháng đối với doanh nghiệp. Nhưng không quy định việc thu hồi số tiền doanh nghiệp đã trục lợi.
Sở Tài nguyên Môi trường Gia Lai kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh giá đất và hệ số K phù hợp với thị trường (từ 1% trước đó lên 3%). Đối với hành vi sử dụng quyền sử dụng đất thuê để góp vốn, liên kết, liên doanh là trái quy định tại Luật Đất đai nên các hợp đồng này vô hiệu.
Tuy nhiên, Sở Tài nguyên Môi trường Gia Lai cho rằng, hiện nay chưa có quy định nào về việc xử phạt hành vi này nên không có cơ sở xử phạt, hoặc đưa ra biện pháp khắc phục đối với những khoản lợi nhuận doanh nghiệp thu được.
Quyết liệt tìm giải pháp tháo gỡ, xử lý vấn đề này, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành văn bản số 2876/VP-KTTH ngày 27/8 vừa qua, giao các sở Tài chính, Tư pháp, Thanh tra địa phương kiểm tra lại nội dung báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường, đồng thời đề xuất phương án giải quyết trước 15/9 tới.
Trước đó, liên quan tới sự việc này, tại Báo cáo kiểm toán số 82/KV XII-TH, Kiểm toán Nhà nước khu vực số XII xác định, nguyên nhân chính của tình trạng các doanh nghiệp trục lợi hàng tỷ đồng từ việc thuê đất công giá rẻ tại Gia Lai xuất phát từ Quyết định 30/2016/QĐ-UBND ngày 15/6/2016 của UBND tỉnh Gia Lai. Quyết định này quy định đơn giá thuê đất một năm tại thành phố Pleiku là 1%, tại các huyện, thị xã, thị trấn là 0,8%. Đây là cơ sở chính tạo ra mức giá thuê đất rẻ, giúp các doanh nghiệp trục lợi từ quỹ đất công của tỉnh./.