Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), tăng trưởng huy động vốn từ tiền gửi khách hàng vẫn khá tốt với mức tăng 4% trong 3 tháng đầu năm nay, đạt 34.243 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu tín dụng trên thị trường giảm hơn so với trước, điều này cũng tác động làm dư nợ cho vay của Kienlongbank chỉ tăng trưởng 1% (tương ứng 351 tỷ đồng), đạt 33.830 tỷ đồng.
Kết thúc quý kinh doanh đầu tiên của năm 2020, dù cho vay ra chỉ tăng thêm 351 tỷ đồng, Kienlongbank ghi nhận thu nhập lãi thuần từ cho vay đạt 295 tỷ đồng, tăng 8,8%.
Trong kỳ, Kienlongbank không có hoạt động mua bán kinh doanh chứng khoán hay đầu tư chứng khoán, hoạt động thuần về tín dụng.
Các mảng khác có thu nhập lãi tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ 2019, lãi từ dịch vụ đạt 19 tỷ đồng, tăng 58%. Lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 8,7 tỷ đồng, gấp 5,8 lần. Lãi từ hoạt động khác tăng vọt lên gần 61 tỷ đồng, gấp hơn 15 lần.
Chi phí hoạt động tăng 21% lên 257 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước chi phí dự phòng vẫn tăng mạnh 64% so với cùng kỳ 2019, lên mức 125 tỷ đồng.
Quý này, Kienlongbank đột ngột tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp 37 lần so với cùng kỳ 2019, lên gần 69 tỷ đồng.
Do đó, lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức 57 tỷ đồng, giảm gần 23% so với cùng kỳ 2019.
Tính đến 31/3/2020, tổng tài sản của ngân hàng tăng 3,8%, đạt 53.086 tỷ đồng.
Cơ cấu dư nợ cho vay của Kienlongbank chủ yếu là hộ kinh doanh và cá nhân, chiếm tới hơn 74% dư nợ tín dụng, tương đương 25.136 tỷ đồng. Nguồn: BCTC quý I/2020 của Kienlongbank.
Quý I/2020, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đột nhiên tăng cao tới 6,62%, so với mức 1% hồi đầu năm nay. Nhóm nợ xấu tăng mạnh nhất là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) từ mức 238 tỷ đồng cuối năm 2019 tăng lên 2.126 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2020.
Theo Kienlongbank, trong số dư nợ có khả năng mất vốn là 2.126 tỷ đồng tại ngày 31/3/2020, bao gồm 1.895 tỷ đồng dư nợ các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nợ nhóm 5.
Ngoài ra, trong số dư nợ đủ tiêu chuẩn tại ngày 31/3/2020 có 124,7 tỷ đồng dư nợ cho vay các khách hàng với mục đích phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ như trước khi cơ cấu một lần theo quy định của Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Thông tư 10 của NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định 55.
Được biết, đối với khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng chính là cổ phiếu của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Hiện Kienlongbank đang rao bán lần 4 với trên 176,3 triệu cổ phần STB, mức giá khởi điểm đã giảm còn 17.496 đồng/cổ phần so với mức giá 24.000 đồng/cổ phần rao bán lần đầu tiên vào tháng 1/2020.