Kiệt quệ sau 1 năm bão táp, lại mất đứt 60 tỷ để dành

Dịch Covid-19 lần thứ tư giáng thêm một đòn đau vào các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khiến hầu hết bất động hay phải ngừng hoạt động. Gặp khó khăn về tài chính do không có doanh thu, các DN đang rơi vào tình trạng kiệt quệ.

Dịch Covid-19 lần thứ tư giáng thêm một đòn đau vào các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khiến hầu hết bất động hay phải ngừng hoạt động. Gặp khó khăn về tài chính do không có doanh thu, các DN đang rơi vào tình trạng kiệt quệ.

 

Đó là nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tại Dự thảo Báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021.

Mất trắng mùa cao điểm hè

Sau khi nới giãn cách xã hội, các cơ sở lưu trú du lịch tại Quảng Ninh rục rịch mở cửa đón khách trở lại, với nhiều ưu đãi rất hấp dẫn. Tuy nhiên, một số địa điểm thông báo chỉ đón khách nội tỉnh. Có nơi nhận khách ngoại tỉnh thì khả quan hơn, như một hệ thống khách sạn ở Hạ Long ngày đầu tiên tái mở cửa đã tiếp đón 800 du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, đó là với hệ thống khách sạn ăn, nghỉ dưỡng khép kín, còn nhiều dịch vụ khác vẫn chưa hoạt động trở lại.

Như trường hợp chị Vũ Thị Huyền (Thanh Xuân, Hà Nội) cùng một nhóm bạn định rủ nhau đi Quảng Ninh vào tuần giữa tháng 6, khi tìm hiểu thì được biết các du thuyền chưa phục vụ khách ngoại tỉnh. Rất ít tàu hoạt động, mà phải đủ khách tàu mới chạy. “Các chị đừng đi vội, ít nhất cũng phải đợi hết tháng 6”, nhân viên kinh doanh một công ty du lịch, tư vấn. Các hoạt động khác như vui chơi ngoài trời, tắm khoáng onsen,... vẫn đóng cửa và chưa có thông báo mới.

Kiệt quệ sau 1 năm bão táp, lại mất đứt 60 tỷ để dành
Một điểm kinh doanh dịch vụ du lịch ở Nha Trang đóng quầy vì không có khách (ảnh Ng.Hà)

Giám đốc một công ty lữ hành có trụ sở tại Đống Đa, Hà Nội, than thở, cao điểm hè là mùa vàng bội thu của các DN du lịch đang dần trôi qua. Thời điểm này đã gần hết tháng 6, tháng 7 chưa biết ra sao trong khi mùa mưa bão ở miền Bắc, ngày tới trường của trẻ đang đến gần. “Coi như mất trắng nguồn thu lớn từ du lịch hè”, vị giám đốc buồn bã.

Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, chia sẻ, ngay từ những ngày đầu của tháng 4/2021, doanh nghiệp đã dồn toàn bộ nguồn lực, đặt cọc hàng nghìn vé máy bay, phòng khách sạn để đón đầu mùa du lịch hè 2021. “Nhưng giờ tất cả các tour, dịch vụ hơn 2.000 du khách đã đặt trong tháng 5 đều bị hoãn, thậm chí là bị hủy”, ông nói.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát vào đầu mùa hè, mùa cao điểm du lịch nhất trong năm nên tác động lần này rất khủng khiếp. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2021, doanh thu của công ty là con số 0 tròn trĩnh.

Tại Dự thảo Báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, Bộ KH-ĐT cho rằng, du lịch là một trong những ngành thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Ngành du lịch vừa cố gượng dậy sau năm 2020 “bão táp”, đang kỳ vọng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021 lại tiếp tục hứng chịu tác động của đợt dịch mới bùng phát, khiến lượng khách đặt tour và đi du lịch sụt giảm mạnh.

“Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch đang gặp khó khăn về tài chính do không có doanh thu và rơi vào tình trạng kiệt quệ”, Bộ KH-ĐT nhận định.

Kiệt quệ sau 1 năm bão táp, lại mất đứt 60 tỷ để dành
Tại các sân bay khách rất thưa vắng. Trong ảnh là sân bay Nội Bài ngày 9/4 (ảnh Ng.Hà)

Trích số liệu từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), Bộ KH-ĐT cho hay, có đến 90% doanh nghiệp không hoạt động, khoảng 10% hoạt động cầm chừng. Các DN siêu nhỏ và nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, đại lý vé phần lớn cho nghỉ việc 100% lao động. Các đơn vị lữ hành quốc tế cho nghỉ việc 60-90% nhân sự hoặc nghỉ không lương và cố gắng kích cầu du lịch nội địa (thường chiếm khoảng 20% doanh thu) để duy trì bộ phận nhân sự chủ chốt.

Mất vài chục tỷ tiền cọc vé máy bay

Trong khi đó, theo Bộ KH-ĐT, quy định tiền ký quỹ 500 triệu đồng đối với DN lữ hành quốc tế làm cho các đơn vị này bị đọng vốn. Quá khó khăn, khoảng 600 DN tạm rút giấy phép để lại số tiền quỹ này, cân đối tài chính. Chưa kể lữ hành quốc tế còn bị mất tiền đặt cọc cho các hãng hàng không quốc tế 50-60 tỷ đồng do hủy tour.

Chẳng hạn với Hanoi Tourism, như chia sẻ của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nhữ Thị Ngần với báo giới, thế mạnh của công ty là khách bay thuê trọn gói (charter flight) nên tiền vốn đặt vào hàng không rất lớn, như riêng thị trường Hàn Quốc, dự kiến có gần 100 chuyến bay chuyên cơ trong năm 2020, chưa kể các thị trường khác. Nguồn tiền lớn bị đọng do hàng không gần như không hoàn lại bằng tiền mặt, trong khi công ty phải đi vay ngân hàng để duy trì hoạt động.

Chưa kể, hàng không còn yêu cầu DN lữ hành phải xác nhận đoàn trước 30/6/2021, nếu không coi như mất vé. Khi dịch bệnh tại các nước vẫn phức tạp, Việt Nam chưa mở cửa hàng không quốc tế, thì DN lữ hành chịu chết. Có lãnh đạo đứng ngồi không yên, lo mất cả tỷ đồng khoản tiền đặt cọc mua vé máy sang Nhật từ mùa hoa anh đào năm ngoái mà không có khách.

Không có khách, không có nguồn thu, các DN lữ hành tiếp tục rời bỏ thị trường.

Kiệt quệ sau 1 năm bão táp, lại mất đứt 60 tỷ để dành
Cao điểm du lịch hè dần qua, các công ty du lịch thất thu (ảnh Ng.Hà)

Riêng tại TP.HCM, trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, theo Sở Du lịch TP, 5 tháng đầu năm nay, hơn 171 doanh nghiệp lữ hành rời bỏ thị trường, cắt giảm mạnh nhân sự. Chỉ còn khoảng 50% doanh nghiệp du lịch hoạt động. Trong đó, có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên đón khách quốc tế đã tạm ngưng hoạt động.

Vì vậy, để hỗ trợ các DN du lịch, Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cắt giảm giá điện cho khu vực doanh nghiệp, các hộ kinh doanh để giảm chi phí và áp lực tài chính ngắn hạn cho DN.

Ngoài ra, chỉ đạo Bộ VH-TT&DL nghiên cứu điều chỉnh quy định về ký quỹ với công ty du lịch trong thời điểm khó khăn: đề nghị cho phép được rút một phần ký quỹ hoặc tạm vay số tiền đã ký quỹ (500 triệu đồng) mà không bị rút giấy phép. Chính phủ hỗ trợ các DN lữ hành đàm phán với các hãng hàng không nước ngoài để lấy lại số tiền đặt cọc bị mất do hủy tour vì Covid-19.

Bên cạnh đó, Bộ KH-ĐT đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 84 ngày 29/5/2020 theo hướng mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp với các DN trong các ngành bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh như du lịch, hàng không, khách sạn, vận tải.

Riêng TP.HCM, Sở Du lịch đề xuất UBND TP kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, xem xét giảm thuế suất GTGT từ 10% xuống 5% trong năm 2021, kéo dài chính sách giảm 15% tiền thuê đất trong năm 2021,... Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp với lãi suất vay 0% cho doanh nghiệp du lịch, không phân biệt lớn, nhỏ gặp khó khăn do dịch Covid-19 để trả lương cho người lao động trong 3 tháng.

Ngọc Hà

Tin mới

Quốc gia mua gạo nhiều nhất từ Việt Nam với 4 triệu tấn/năm đang 'bơm' tiền đầu tư cho nông dân tự trồng lúa
7 giờ trước
Thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam đang muốn tăng khả năng tự chủ sản xuất để giảm lượng nhập khẩu gạo.
Loại cây ví như 'vàng xanh', Việt Nam đang thống lĩnh thị trường thế giới: Vừa giữ rừng, vừa thu triệu đô
6 giờ trước
Việt Nam dẫn đầu thế giới về xuất khẩu loại cây này. Cây được ví là "vàng xanh", giúp phủ xanh đất trống và làm giàu cho người dân.
‘Xe giá rẻ’ Kia Syros cho kết quả bất ngờ sau khi đâm thử: Điểm an toàn hàng top, người lớn, trẻ em đều được bảo vệ tốt
5 giờ trước
Dòng SUV mới nhất của Kia là Kia Syros vừa được chấm 5 sao an toàn tại Ấn Độ.
Có 500 triệu đồng mua gầm cao nào và đây là những mẫu xe đáng cân nhắc
4 giờ trước
Hyundai Venue, Omoda C5, Toyota Raize và Mazda CX-3 là những cái tên ở phân khúc gầm cao cỡ nhỏ phù hợp với một người cần mua xe với ngân sách khoảng 500 triệu đồng.
Xe số độc lạ của Honda chốt giá 70 triệu đồng: Khỏe hơn Future, ăn xăng 1,8 lít/100km
4 giờ trước
Không chỉ sở hữu thiết kế thể thao cùng động cơ mạnh mẽ, "tân binh" xe số nhà Honda còn có giá bán hấp dẫn hơn so với Wave 125i 2025 nhập khẩu Thái Lan.

Tin cùng chuyên mục

Bán được hơn 35.000 xe tại Việt Nam trong quý 1, doanh số của VinFast tại Mỹ ra sao?
15 giờ trước
Kể từ đầu năm, đã có hơn 500 xe được VinFast bàn giao đến tay khách Mỹ.
Mang iPhone về Mỹ sản xuất, "nhiệm vụ bất khả thi"
2 ngày trước
Liệu Apple có thể đưa dây chuyền sản xuất iPhone về Mỹ như mong muốn của một số chính trị gia? Một phân tích mới từ ngân hàng đầu tư Bank of America (BofA) vừa đưa ra con số đáng báo động.
Page có tick xanh giả mạo Phú Quý lừa người mua bạc thỏi tại VN
3 ngày trước
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Phú Quý mới đây đã phát đi cảnh báo về thủ đoạn mạo danh, yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào một tài khoản mang tên công ty nào đó, nhằm chiếm đoạt tiền của Khách hàng.
Livestream Commerce: Giải pháp tăng trưởng doanh nghiệp Việt trong thời đại số
3 ngày trước
Theo NielsenIQ, thương mại điện tử Việt Nam dự kiến đạt quy mô 45 tỷ USD trong 2025, chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ toàn quốc. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này đi kèm với áp lực lớn: doanh nghiệp vừa phải tối ưu chi phí, vừa cần xây dựng thương hiệu và thúc đẩy doanh số trong thị trường cạnh tranh. Vậy đâu là lời giải?