Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, kiều hối về Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước. Riêng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt gần 9,5 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ước tính, cả năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155.000 người, số lượng cao nhất từ trước đến nay và tăng 8,55% so với năm 2022.
Số liệu của cơ quan này cũng cho thấy, bình quân mỗi năm, khoảng 120.000 đến 143.000 lao động ra nước ngoài làm việc; lượng kiều hối từ lực lượng lao động này gửi về đạt 3,5-4 tỷ USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Cũng chính vì thế, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát tăng cao và tình hình địa chính trị vẫn căng thẳng, nguồn kiều hối về Việt Nam vẫn tăng so với 2022.
Thực tế, trong 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối trở thành điểm sáng của Việt Nam. Tính cả giai đoạn 1993-2023, lượng kiều hối gửi về nước đạt gần 200 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần lớn cho biết, kiều hối kỷ lục là một trong những nguồn cung góp phần bảo đảm quan hệ cung - cầu ngoại tệ, hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh các đồng tiền mạnh trên thế giới đang có biến động mạnh, áp lực lạm phát trên thế giới và trong nước đang tạo ra những áp lực nhất định đến tỷ giá và mối quan hệ tỷ giá - lãi suất và lạm phát.
"Dòng kiều hối về lượng liên tục tăng trong những năm cũng đã giúp ngành ngân hàng gia tăng dự trữ ngoại hối – "tấm đệm" ổn định tỷ giá. Qua đó, củng cố tiềm lực tài chính nói chung và tiềm lực tài chính đối ngoại nói riêng của Việt Nam", vị này nói.
Dẫn chứng thêm, vị lãnh đạo ngân hàng cho hay, quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước đã đạt mức trên 100 tỷ vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, cũng trong năm này căng thẳng tỷ giá leo thang, Ngân hàng Nhà nước nhờ có dư địa ngoại hối lớn đã bán ra khoảng 20% dự trữ ngoại hối để kiểm soát tỷ giá.
Hiện, kiều hối chuyển về Việt Nam qua hai kênh chủ yếu là ngân hàng thương mại và các công ty kiều hối. Nhiều ngân hàng thương mại cho biết lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, ông thông tin thêm.
Liên quan đến dòng kiều hối về Việt Nam, hiện tại chưa có thống kê toàn diện nào cho thấy dòng tiền này đang rót nhiều vào lĩnh vực, kênh đầu tư nào. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định cho rằng, ngoài lĩnh vực sản xuất thì dòng kiều hối đang "rót" nhiều vào bất động sản .
Theo nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương từ năm 2016 tới nay, lượng kiều hối gửi về Việt Nam đạt trung bình 12 tỷ USD/năm. Từ năm 2016 - 2020, 17% - 18% dòng kiều hối đổ vào bất động sản , giảm so với mức bình quân 20% ghi nhận vào giai đoạn trước. Từ năm 2020 đến nay, tỷ trọng vào bất động sản cũng dao động ở mức 15% - 17%.
Tuy nhiên, giới phân tích kỳ vọng dòng kiều hối đổ vào bất động sản sẽ có xu hướng tăng trở lại khi áp dụng Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua mới đây.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính nói: Trước đây, quy định cho phép kiều bào được mua bất động sản trong nước nhưng nhiều người phải nhờ người thân đứng tên. Cũng chính vì lo ngại thủ tục, quy định phức tạp, không được đứng tên sở hữu nên nhiều người ngần ngại. Vì vậy, cùng với các chính sách khuyến khích thời gian qua của Chính phủ, quy định mới trong luật Kinh doanh bất động sản sẽ giúp kiều bào dễ dàng hơn trong việc sở hữu nhà cửa, đất đai trong nước. Từ đó góp phần giúp lượng kiều hối về VN có thể gia tăng cao hơn trong thời gian tới.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Kinh doanh CBRE Việt Nam cho biết, nhu cầu mua nhà của lượng kiều hối rất cao. Trong gần 10 năm qua, với gần 5.000 giao dịch đã được CBRE thực hiện, có tới 45% thuộc về khách hàng nước ngoài và Việt kiều.
"Thời gian qua, nguồn cung nhà ở cao cấp chiếm tỷ trọng lớn, nếu nới điều kiện cho phép người nước ngoài được sở hữu sẽ kích cầu mạnh mẽ phân khúc này. Chưa kể, đây cũng là một giải pháp thu hút lao động giỏi, thu hút nhân tài. Khi những người giỏi vào Việt Nam làm việc, gắn bó lâu dài với Việt Nam, thì chắc chắn, họ sẽ có nhu cầu về chỗ ăn, chỗ ở, từ đó kích thích đầu tư bất động sản ", ông Kiệt nhận định.
Để tăng cường thu hút "nguồn lực vàng" này, trong thời gian tới, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần tiếp tục tạo ra một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách đầu tư ngày càng thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính.