Theo Tổng bí thư - Chủ tịch nước, kinh tế vĩ mô năm 2018 của Việt Nam đã tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực.
Quy mô nền kinh tế được mở rộng, chất lượng được nâng lên. Mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, là mức tăng cao nhất từ năm 2008 trở lại đây. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước được giữ vững.
Những thành tựu trong công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, trong đó quan hệ với các nước láng giềng, các đối tác lớn tiếp tục được củng cố. Tiếp nối thành công của Năm APEC 2017, năm qua, Quốc hội Việt Nam với 100% số phiếu nhất trí đã ra Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), góp phần đưa tiến trình hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu, phục vụ lợi ích phát triển của đất nước.
Về đối ngoại đa phương, chúng ta đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng, như Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26, Hội nghị thượng đỉnh tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 6... Đặc biệt, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN được đánh giá là hội nghị cấp khu vực thành công nhất trong 27 năm Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức tại khu vực.
Lĩnh vực khoa học - công nghệ và văn hóa, giáo dục, thể thao cũng ghi nhận những dấu ấn quan trọng, góp phần tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong đổi mới sáng tạo khoa học - công nghệ và làm phong phú và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
"Đặc biệt, với quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân, năm vừa qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh quyết liệt. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, phức tạp đã được phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh. Nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao, đương chức hay đã nghỉ hưu có sai phạm đều bị xử lý kiên quyết, đúng pháp luật, được cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước rất hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú trọng nói.
Những kết quả đạt được trong năm 2018 có sự đóng góp rất quan trọng của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài.
Những giải pháp vận động đã thu hút được đáng kể nguồn lực và nguồn chất xám của hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ để phục vụ phát triển đất nước. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 300 - 500 lượt trí thức kiều bào về nước, tham gia vào các hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo, đóng góp nhiều ý kiến sâu rộng, thiết thực trong các vấn đề phát triển của đất nước, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển công nghệ trong nước.
"Đảng và Nhà nước Việt Nam hết sức trân trọng những ý kiến tư vấn, tham mưu của các nhà khoa học Việt kiều nhằm giúp đất nước nhanh chóng tiếp cận với trình độ tiên tiến về khoa học - công nghệ của thế giới, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra hiện nay", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Năm 2018, số kiều hối gửi về nước đã lên tới gần 16 tỉ USD, tăng gấp hơn 100 lần so với năm 1993. Đáng chú ý là, đầu tư từ nguồn kiều hối trong những năm gần đây với khoảng 3.000 dự án tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao mức sống của nhân dân, trước hết là những gia đình được nhận.
Cũng trong bài phát biểu của mình, Tổng bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn thấu cảm với bà con xa xứ, chia sẻ những khó khăn, vất vả sống nơi đất khách, quê người, đồng thời cũng tin tưởng rằng, người Việt Nam dù đi đâu, ở đâu, làm gì, cũng luôn luôn giữ gìn và truyền lại cho các thế hệ con em mình ý thức: "Nước có nguồn, cây có cội, dù đi xa vạn đỗi, không phai nhoà nguồn cội Rồng Tiên", hay "Nhiễu điều phủ lấy giá gương.