Tháng cuối cùng của năm, kiều hối vào mùa cao điểm. Lượng kiều hối về TP Hồ Chí Minh ước đạt khoảng 6,8 tỷ USD. Dù thấp hơn đôi chút so với cùng kỳ năm trước nhưng lượng kiều hối về thành phố chiếm gần một nửa quy mô tiền gửi bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Đây là nguồn vốn quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh cũng như cả nước.
Tháng 12, các công ty kiều hối bước vào mùa bận rộn nhất trong năm. Ghi nhận tại một số công ty kiều hối có thị phần lớn nhất thị trường, tháng 12 này lượng kiều hối chuyển về cao hơn khoảng 20 - 30% so với bình quân các tháng trong năm. Như tại Công ty Kiều hối Sacombank SBR, số lượng giao dịch kiều hối tăng khoảng 10%.
"Lượng kiều hối năm nay chuyển về không khác gì năm 2021. Đặc biệt, năm nay thị trường Mỹ, châu Úc, châu Âu mặc dù có những khó khăn chung nhưng lượng kiều hối chuyển về vẫn ổn định", ông Trần Minh Khoa - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Kiều hối Sacombank SBR cho biết.
Bên cạnh lý do cận kề Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, việc đồng USD yếu đi, đồng nội tệ các quốc gia có đông lao động Việt mạnh lên cũng là yếu tố quan trọng khiến lượng kiều hối tăng đáng kể.
Riêng tại TP Hồ Chí Minh, lượng kiều hối chuyển về trong năm nay ước đạt 6,8 tỷ USD. Dù thấp hơn con số 7,1 tỷ USD trong năm ngoái nhưng vẫn là con số rất tích cực.
Ông Nguyễn Văn Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho hay: "Cùng với các nguồn vốn ngoại tệ như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối sẽ hỗ trợ cho nguồn cung ngoại tệ, ở góc độ đó đảm bảo nguồn cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Đặc biệt, kiều hối hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội".
Quy mô kiều hối chuyển về TP Hồ Chí Minh trong năm nay, tương đương khoảng 48% tiền gửi bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, dù kiều hối được sử dụng để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh hay tiết kiệm, tiêu dùng cá nhân… đều là nguồn lực tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội.