Bến Tre là 1 trong 28 tỉnh giáp biển của Việt Nam. Trong đó có 3 huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú với chiều dài bờ biển 65km. Độ cao trung bình của tỉnh so mặt nước biển chỉ 1,5m, nên Bến Tre dễ bị tổn thương do BĐKH so các địa phương khác. Thời gian qua, tác động của BĐKH trên địa bàn tỉnh chủ yếu là xâm nhập mặn, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa dông, lốc xoáy, mưa trái mùa hay nắng nóng kéo dài.
Dự báo đến năm 2020, BĐKH làm nước biển dâng 12cm, khiến 270km2 của tỉnh bị ngập, hơn 97.000 người sẽ phải sống trong vùng ngập. Ranh giới mặn 4/1.000 tiến vào nội đồng sẽ tác động trực tiếp đến tình trạng thiếu nước ngọt, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Hỗ trợ mô hình chăn nuôi dê là một trong những sinh kế bền vững để cộng đồng nghèo ven biển nâng cao
năng lực sản xuất. ảnh: Nguyên Vỹ
Dự án xây dựng khả năng ứng phó, phục hồi và thích nghi với rủi ro thảm họa và BĐKH cho phụ nữ và nam giới tại tỉnh Bến Tre (RADCC) do Chính phủ New Zealand, Oxfam và Sở NNPTNT Bến Tre phối hợp thực hiện để người dân 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú phục hồi, thích nghi với rủi ro và khí hậu đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Hỗ trợ mô hình chăn nuôi dê là một trong những sinh kế bền vững của RADCC để cộng đồng nghèo ven biển nâng cao năng lực sản xuất.
Qua 4 năm hỗ trợ, từ 2.400 con dê, đến nay, tổng đàn dê đã tăng lên gấp đôi. Trong đó, đã xuất chuồng hơn 3.400 con với tổng giá trị hơn 20 tỷ đồng. Dự án còn thành lập hơn 70 nhóm nuôi dê liên kết cùng các thương lái uy tín, hình thành 2 lò giết mổ đủ tiêu chuẩn VSATTP. Chuỗi giá trị dê bền vững cũng được thiết lập, kết nối nông dân với thú y xã, thương lái, cơ sở giết mổ tạo thành quy trình khép kín.