Tăng vốn thêm 2.700 tỷ đồng bất thành
Theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, CTCP Du lịch Kim Liên nhất trí không thực hiện tăng vốn điều lệ để đảm bảo nguồn vốn đối ứng cho việc triển khai Dự án tổ hợp công trình thương mại dịch vụ khách sạn, văn phòng và khách sạn căn hộ cho thuê tại khu đất 5-7 Đào Duy Anh, Hà Nội.
“Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu đồng thời xem xét ý kiến của cổ đông, HĐQT nhận thấy việc tăng vốn điều lệ thời điểm hiện tại là không khả thi”, tờ trình của Kim Liên viết.
Dù vậy các cổ đông vẫn thông qua việc hợp tác đầu tư để triển khai Dự án 5-7 Đào Duy Anh theo quy định. Các công việc bao gồm tìm kiếm và lựa chọn đối tác hợp tác kinh doanh để triển khai dự án nhưng không thành lập tổ chức kinh tế, đảm bảo lợi nhuận không thấp hơn lợi nhuận bình quân 4 năm gần nhất của Du lịch Kim Liên và/hoặc không thấp hơn 25% vốn điều lệ hiện tại; các nội dung khác (ngoại trừ tăng vốn điều lệ) vẫn được giữ nguyên.
Phương án tăng vốn để thực hiện Khu phức hợp Kim Liên bất thành.
Tại cuộc họp đó, đại diện cổ đông Tài chính Bưu điện (PTF) đã có yêu cầu cung cấp thêm thông tin về dự án (nội dung, quy mô, tổng mức đầu tư, pháp lý) để cổ đông xem xét quyết định. Đồng thời PTF cũng yêu cầu báo cáo quá trình hợp tác và tìm kiếm nhà đầu tư được thực hiện đến đâu, nội dung tăng vốn chỉ dựa trên khảo sát của Savills là chưa đủ căn cứ để cổ đông xem xét. Cổ đông GP Bank cũng yêu cầu các vấn đề tương tự, đặc biệt là các cơ sở của việc tăng vốn.Trước đó theo nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường năm 2019, Kim Liên đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ mức hiện gần 70 tỷ đồng lên 2.768 tỷ đồng để triển khai dự án Khu phức hợp Kim Liên trên. Theo báo cáo nghiên cứu khả thi do Savills Việt Nam thực hiện, tổng chi phí dự án khoảng 616 triệu USD (14.287 tỷ đồng).
Lộ cơ cấu cổ đông của Kim Liên
Du lịch Kim Liên tiền thân là khách sạn Bạch Mai, được biết đến là doanh nghiệp “đất vàng” khi quản lý và sử dụng lô đất với diện tích lên tới 3,5 ha tại số 5-7 Đào Duy Anh. Đây được coi là một trong những mảnh đất vàng lớn còn sót lại của 4 quận nội thành Hà Nội và là sức hút lớn với rất nhiều nhà đầu tư.
Do đó mỗi cổ phần Du lịch Kim Liên lên đến hàng trăm nghìn đồng. Tháng 12/2015, Tập đoàn ThaiGroup của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) từng chi ra khoảng 1.000 tỷ đồng để sở hữu 52,4% cổ phần tại khách sạn Kim Liên, tương đương mức giá 274.200 đồng/cp. Tháng 4/2018, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP Bank) bán 1,9 triệu cổ phần với giá 305.053 đồng/cp.
Vị trí đắc địa của Du lịch Kim Liên. |
|
Cơ cấu cổ đông của Kim Liên theo đó vẫn khá kín tiếng cho đến khi công ty công bố các báo cáo thường niên vào giữa tháng 3 vừa qua. Tính đến cuối năm 2019, công ty có tổng cộng 356 cổ đông và không có cổ đông nước ngoài, cổ đông nhỏ lẻ (dưới 5%) chỉ chiếm tổng cộng 7,37% vốn.
Tập đoàn ThaiGroup vẫn là công ty mẹ nắm giữ tỷ lệ 52,43% thông qua 3 người đại diện vốn. GP Bank là cổ đông sáng lập còn sở hữu 9,69%. Công ty Tư vấn Xây dựng dân dụng và Công nghiệp Ninh Bình sở hữu 6,62% (đúng bằng lượng cổ phần cổ đông GP Invest đã thoái vốn trước đây)…Vào ngày 24/4/2019, Thaiholdings mua 17,2% cổ phần với giá 305.100 đồng/cp vào, tương đương với số tiền 365 tỷ đồng. Khối lượng cổ phần mua lại đúng bằng lượng sở hữu của Bình Minh Group (11%) và cổ đông Nguyễn Cao Cường (6,2%) trước đó. Thaiholdings hiện do bầu Thụy nắm giữ 20% vốn.
Cơ cấu cổ đông Du lịch Kim Liên |
|
Cổ đông cũng miễn nhiệm chức danh Chủ tịch và thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Đức Thụy theo đơn từ nhiệm, đồng thời miễn nhiệm ông Nguyễn Chí Kiên khỏi thành viên HĐQT đều từ ngày 24/5.
Thay vào đó, Thaigroup đề cử 2 ứng viên HĐQT và được chấp thuận là ông Phan Mạnh Hùng (sinh năm 1978) và ông Trịnh Văn Thiệm (sinh năm 1978). Ông Thiệm đang là Tổng giám đốc của Bình Minh Group và cũng đang đại diện vốn cho cổ đông này, sẽ thay thế bầu Thụy trở thành Chủ tịch HĐQT của khách sạn Kim Liên từ 24/5.
Về hoạt động kinh doanh, năm 2019, Kim Liên đạt được lợi nhuận 12,5 tỷ đồng và giúp xóa lỗ lũy kế. Tuy nhiên do số lợi nhuận chưa phân phối chỉ gần 4 tỷ đồng, công ty quyết định sẽ không chỉ trả cổ tức và không thực hiện trích lập các quỹ mà để bổ sung năng lực tài chính.
Xây dựng kế hoạch cho năm 2020, công ty đặt mục tiêu doanh thu hơn 62 tỷ đồng và dự kiến lỗ trước thuế hơn 8 tỷ đồng.
Công ty cho biết dịch Covid-19 tác động nặng nề đến ngành du lịch khách sạn, qua đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu công ty trong quý I (doanh thu tháng 3 của khối khách sạn, nhà hàng chỉ đạt 400 triệu đồng), dự kiến tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu cho đến hết quý II (tháng 4 dừng hoạt động theo yêu cầu của nhà nước). Công ty dự kiến doanh thu 6 tháng đầu năm rất thấp và sẽ đẩy mạnh doanh thu 6 tháng cuối năm để bù đắp.
Một số công tác khác như hoàn thiện các thủ tục thuê đất tại 57 Trần Phú và hồ sơ pháp lý về đất tại khu đất số 5-7 Đào Duy Anh, xem xét và thông qua việc thực hiện đầu tư tiền nhàn rỗi (khoảng 80 tỷ đồng) dưới hình thức cho vay riêng lẻ, dự kiến thu về khoảng 6 tỷ đồng/năm.