Mới đây, hãng tư vấn hàng hóa Rystad Energy dự đoán rằng, nhu cầu đối với kim loại đồng - một thành phần thiết yếu trong sản xuất xe điện và thiết bị điện tử tiêu dùng - sẽ rất lớn vào năm 2030, gây ra thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng.
Cung hụt so với cầu hơn 6 triệu tấn
Cụ thể, lượng thiếu hụt đồng sẽ là hơn 6 triệu tấn. Được biết, đồng là thành phần quan trọng trong sản xuất xe điện và các thiết bị điện tử tiêu dùng. Dựa trên các ước tính hiện tại, nhu cầu đồng dự kiến sẽ tăng 16% vào cuối thập kỷ, đạt khoảng 25,5 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030. Trong khi đó, nguồn cung vào năm 2030 được dự báo giảm khoảng 12% so với mức của năm 2021.
Căn cứ theo sản lượng của các cơ sở khai thác hiện tại cũng như có thể đi vào hoạt động trong tương lai, nguồn cung đồng sẽ là khoảng 19 triệu tấn mỗi năm. Có thể thấy, nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 75% nhu cầu trên toàn thế giới.
Công nhân tại một nhà máy sản xuất dây đồng ở tỉnh Karachi, Pakistan. (Ảnh: Reuters).
Lí giải cho vấn đề này, các chuyên gia trong ngành cho rằng lĩnh vực năng lượng tái tạo và xe điện ngày càng phát triển đã "ngốn" một lượng đồng không nhỏ trong quá trình sản xuất các thiết bị liên quan. Trong khi đó, do sự gia tăng của các ca nhiễm COVID-19 mới - đặc biệt với sự xuất hiện của biến chủng Omicron - đã làm chuỗi cung ứng tắc nghẽn, gây cản trở hoạt động khai thác quặng đồng.
Một điểm đáng lưu ý khác là giá đồng đã tăng chóng mặt trong thời gian qua do cung không bắt kịp cầu. Chỉ tính từ khi đại dịch bùng phát, giá của kim loại công nghiệp này đã nhảy vọt khoảng 70%.
Khai thác đồng tại Việt Nam
Các quốc gia có trữ lượng đồng lớn nhất thế giới có thể kể đến như Chile (200 triệu tấn), Peru (92 triệu tấn) và Australia (88 triệu tấn) - theo số liệu từ Cục khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS).
Việt Nam được thiên nhiên ban tặng trữ lượng đồng ở mức "khá" so với khu vực. Theo Báo Chính phủ, Việt Nam có tiềm năng rất lớn ở mỏ đồng Sin Quyền. Được biết, mỏ đồng Sin Quyền nằm sát biên giới Việt-Trung, thuộc huyện Bát Xát của tỉnh Lào Cai.
Theo tài liệu báo cáo của Đoàn Địa chất 5 (Tổng cục Mỏ-Địa chất), mỏ đồng Sin Quyền có trữ lượng là 56 triệu tấn, tổng trữ lượng quặng đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai là khoảng hơn 100 triệu tấn. Quá trình thăm dò các vỉa quặng mới ở độ sâu âm 350 m đã phát hiện gần 20 triệu tấn quặng đồng. Hơn 30 triệu tấn quặng còn lại nằm tại phân vùng 5 thuộc địa phận thôn Vi Kẽm, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát.
Với các ước tính hiện tại, mỏ đồng Sin Quyền được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á và đứng "top" đầu châu Á. Theo sau mỏ đồng Sin Quyền, Việt Nam còn có cơ sở khai thác đồng khác tại mỏ niken Bản Phúc.
Tinh quặng được nấu chảy trong lò hỏa luyện.
Mỏ đồng Sin Quyền được các nhà địa chất Đoàn địa chất 5, thuộc Tổng Cục địa chất phát hiện ra năm 1961. Đến năm 1969 Đoàn địa chất 5 đã tiến hành công tác thăm dò tỉ mỉ và đến năm 1973 hoàn thành công tác thăm dò ngoài thực địa. Năm 1974 Tổng Cục địa chất phê chuẩn "Báo cáo kết quả thăm dò tỉ mỉ mỏ đồng Sin Quyền tỉnh Lào Cai".
Ngày 17/9/2003, Tổng Công ty Khoáng sản, đơn vị trực thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) khởi công xây dựng dự án Tổ hợp đồng Sin Quyền. Đây là Dự án kim loại màu lớn nhất nước ta thời kỳ đó.
Tới nay, nhà máy luyện đồng Lào Cai (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam TKV) đã cung cấp ra thị trường hơn 11.000 tấn đồng katot/năm và nhiều kim loại khác như vàng, bạc, axit sulfuric, thạch cao…
Trang web chính thức của mỏ Sin Quyền cho biết công suất khai thác mỏ từ 1,1 đến 1,2 triệu tấn quặng nguyên khai/năm; mỗi năm sản xuất 47.000 tấn tinh quặng đồng hàm lượng 24%Cu và 75.000 tấn tinh quặng sắt hàm lượng 64%Fe.
Theo báo Nhân dân, khu tổ hợp sản xuất đồng ở Lào Cai là khu mỏ lớn nhất nước và duy nhất ở Đông Nam Á khai thác quặng, tinh tuyển và chế biến sâu thành đồng kim loại ngay tại chỗ, với sản lượng lớn.
Khu tổ hợp này bảo đảm việc làm cho hơn 1.500 lao động, với mức thu nhập bình quân hơn 10 triệu đồng/tháng, đóng góp khoảng hơn 600 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.
Như vậy, có thể thấy rằng Việt Nam vẫn đang nắm giữ tiềm năng khoáng sản lớn về đồng kim loại.
Sự thiếu hụt trong tương lai trên thế giới chính là cơ hội mở để Việt Nam khẳng định năng lực trong lĩnh vực khai thác và sản xuất khoáng sản chất lượng cao, mở rộng thị phần trong ngành này.
Dự án Tổ hợp đồng Sin Quyền - Lào Cai đi vào hoạt động không chỉ tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp kim loại màu Việt Nam, đáp ứng được 1/3 nhu cầu sản xuất trong nước, giảm mỗi năm hơn 40 triệu USD nhập khẩu đồng kim loại, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Lào Cai - vùng đất nơi địa đầu của Tổ quốc.