Tháng 9/2018, xuất khẩu cà phê tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 130 ngàn tấn, kim ngạch đạt 225 triệu USD, tăng 62,6% về lượng và tăng 20,7% về trị giá so với tháng 9/2017. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cà phê ước đạt 1,46 triệu tấn tăng 20,1% về lượng nhưng do giá cà phê xuất khẩu bình quân 9 tháng giảm đến 16,4% nên chỉ mang về 2,77 tỷ USD, tăng 0,4% về kim ngạch so với cùng kỳ 2017.
Cà phê giảm giá là do sức ép dư cung trên thị trường cà phê toàn cầu. Dự báo trong ngắn hạn, giá cà phê khó khởi sắc do Việt Nam chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch mới.
Đầu ra cà phê gặp nhiều khó khăn
Sau thời gian tụt dốc khiến kim ngạch xuất khẩu cà phê giảm mạnh, 2 tuần nay giá cà phê trên thị trường nội địa đang tăng trở lại nhờ xu hướng tăng giá của thị trường cà phê thế giới. Tuy nhiên, mức tăng vẫn còn rất thấp chưa như mong đợi của người nông dân.
Ngày 8/10, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên tăng thêm 800 đ/kg, dạo động ở mức cao nhất là 35.500đ/kg và mức thấp nhất là 34.900đ/kg. Giá cà phê xuất khẩu tại cảng Tp.HCM giao dịch ở mức 1.610 USD/tấn, trừ lùi 45 USD/tấn (FOB).
Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Intimex Group, đầu ra của cà phê gặp nhiều khó khăn phần do sức ép của dư cung, cộng với cà phê Việt Nam vào vụ thu hoạch trong tháng 10, phần khác do vấn đề kỹ thuật. Nhìn chung tình hình thị trường cà phê đang rất khó khăn và chưa có "cửa nào" để tính, vì chúng ta chưa thể nào đánh giá đúng hết được diễn biến của thị trường.
"Giá cà phê sụt giảm nhưng hoạt động xuất khẩu cà phê vẫn phải diễn ra vì mặt hàng cà phê sử dụng trong nước rất ít mà cơ bản vẫn là xuất khẩu, trong khi đó hoạt động xuất khẩu cà phê thực chất chỉ làm dịch vụ thu phần chênh lệch giữa người nông dân bán ra, doanh nghiệp mua vào và bán lại. Trong tình hình như hiện nay do giá cà phê đã rất thấp nên tỷ lệ người mua rất ít", ông Nam chia sẻ
Tuy nhiên, thời gian gần đây giá cà phê trên thị trường đã có tín hiệu tăng trở lại dù không nhiều, nhưng đó cũng là tín hiệu tích cực cho cà phê Việt Nam. Hiện giá cà phê thế giới đang có xu hướng hồi phục, góp phần kéo giá cà phê trong nước tăng theo. Tháng 9/2018, giá cà phê trong nước sau khi giảm trong 20 ngày đầu tháng đã tăng trở lại trong 10 ngày cuối tháng và trong tuần lễ đầu tháng 10, nhưng vẫn thấp hơn so với mức giá giao dịch cuối tháng trước.
Theo các chuyên gia, giá cà phê trên thị trường phục hồi một phần do đồng Real của Brazil tăng đã hỗ trợ giá cà phê, khiến các nhà sản xuất hạn chế bán ra. Một phần khác là do vụ thu hoạch tại Indonesia đã kết thúc, sản lượng cà phê tại Ấn Độ và Việt Nam giảm do thời tiết không thuận lợi tại các vùng sản xuất chính (riêng tại Ấn Độ, sản lượng cà phê niên vụ 2018-2019 có thể giảm tới 20%); ngoài ra, tồn kho cà phê tại Hoa Kỳ giảm giúp kéo giá cá phê tăng.
Việt Nam - nhà cung cấp cà phê số 1 tại Nga
Trong 8 tháng đầu năm nay, Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 12,6% và 9,8%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh là: Indonesia (gấp 8 lần), Nga ( 66,6%) và Philippines ( 46,6%). Trong tháng 9/2018, thị trường cà phê trong nước biến động nhiều theo xu hướng thị trường thế giới.
Theo phân tích của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), mặc dù nhập khẩu cà phê của Nga trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 95.555 tấn, trị giá 294,54 triệu USD, giảm 0,2% về lượng và giảm 9% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2017.
Tuy nhiên, nửa đầu năm 2018, Việt Nam là thị trường cung cấp cà phê lớn nhất cho Nga với lượng nhập khẩu tăng 59,3% so với cùng kỳ năm 2017, nhờ đó thị phần cà phê của Việt Nam tại Nga tăng từ 32,8% trong 6 tháng đầu năm 2017, lên 49,9% trong 6 tháng đầu năm 2018; Brazil là nguồn cung cà phê lớn thứ 2 cho Nga với lượng nhập khẩu tăng 12,3% trong nửa đầu năm 2018.
Tuy là thị trường cung cấp cà phê lớn nhất cho Nga nhưng giá cà phê trung bình của Việt Nam thấp hơn so với các thị trường khác. Cụ thể: giá nhập khẩu cà phê của Nga từ Việt Nam đạt 2 USD/kg, thấp hơn so với giá nhập khẩu từ Brazil là 2,8 USD/kg; từ Ý là 7,5 USD/kg. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là cà phê Robusta nhân xô.
Theo cơ quan hải quan Nga, cà phê là một trong những mặt hàng nhập khẩu quan trọng của nước này, và cà phê đã trở thành một trong những đồ uống được yêu thích của người Nga.
"Để giữ vững vị trí nhà cung cấp số 1 và nâng cao giá trị mặt hàng cà phê tại Nga, ngành cà phê Việt Nam cần thay đổi cơ cấu nguồn cung, thay vì tập trung xuất khẩu cà phê Robusta nhân xô, cần chú trọng đến cà phê chế biến", một chuyên gia khuyên.