Năm 2018, trong khi kim ngạch xuất khẩu tôm suy giảm hơn 7%, thì xuất khẩu cá tra tăng trưởng ngoạn mục tới 26,4% và đã thiết lập kim ngạch cao nhất từ trước tới nay với 2,26 tỷ USD.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết, diện tích nuôi cá tra năm 2018 đạt 5.400 ha, tăng 3,3%; sản lượng thu hoạch đạt 1,42 triệu tấn, tăng 8,4% so với năm 2017. Năm 2018, xuất khẩu cá tra có sự phát triển ngoạn mục, từ kim ngạch 1,78 tỷ USD năm 2017 bật lên đạt mức kỷ lục 2,26 tỷ USD. Trong khi suốt 5 năm qua, xuất khẩu cá tra chỉ loanh quanh ở vùng 1,5-1,8 tỷ USD. Năm 2018, ngành thủy sản cũng chỉ dám đề ra mục tiêu cho cá tra cố gắng đạt 1,9-2 tỷ USD.
Đưa thị trường Mỹ trở lại số 1
Theo VASEP, tăng trưởng vượt bậc đối với cá tra có được là nhờ sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố. Đầu tiên là nền tảng từ năm 2017 đã có những kết quả tốt, cá tra ở mức giá cao. Một phần quan trọng là các doanh nghiệp cá tra đã ý thức được việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất theo chuỗi từ con giống đến chế biến, tiêu thụ đã giúp các doanh nghiệp chủ động nguồn cung để đưa ra thị trường.
Sang năm 2018, nhu cầu từ các thị trường đều tăng, nhờ giá trị tăng trưởng tốt của một số thị trường lớn truyền thống như: Mỹ, Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông), Liên minh châu Âu (EU), ASEAN đã kéo tổng xuất khẩu cá tra lên. Phân tích thị trường tiêu thụ cá tra năm nay cho thấy, Mỹ là thị trường tăng trưởng cao nhất với tốc độ 54,5%, chiếm 24,2% thị phần, trở lại là thị trường số 1 của cá tra Việt Nam sau một thời gian bị Trung Quốc qua mặt.
Thị trường Trung Quốc với mức tăng trưởng 29,3%, chiếm 23,7% thị phần, đứng ở vị trí số 2. Thị trường EU đã hồi phục ấn tượng sau thời gian dài ảm đạm do ảnh hưởng truyền thông bôi nhọ. Tính đến hết năm 2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU tăng 17,1% so với năm ngoái.
Nhìn lại thị trường Mỹ, liên tục 16 năm qua, cá tra Việt Nam đã phải chống trọi với các hàng rào vô lý được nước này dựng lên. Vào ngày 28/6/2002, Hiệp hội Chủ trại nuôi cá da trơn Mỹ (CFA) đã đệ đơn kiện một số doanh nghiệp chế biến thuỷ sản Việt Nam lên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) là các sản phẩm cá tra và basa philê đông lạnh được bán thấp hơn giá trị hợp lý tại thị trường Mỹ, gây thiệt hại về vật chất cho sản xuất nội địa.
Từ đó đến nay, liên tục các phán quyết áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam năm nào cũng được Mỹ đưa ra. "Năm 2018, chúng ta đã đón các đoàn thanh tra Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đến kiểm tra tại Việt Nam. Sau quá trình kiểm tra thực tế tại Việt Nam, Cục Kiểm tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đề xuất công nhận cá tra, basa Việt Nam có hệ thống kiểm soát chất lượng tương đương cá da trơn Mỹ và đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ đã minh chứng cho thế giới thấy chất lượng của cá tra Việt Nam.
Đồng thời, thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ giảm, một số doanh nghiệp có thuế suất 0% đã giúp thị trường quan trọng này tăng trưởng vượt bậc", ông Nguyễn Ngọc Oai nhấn mạnh.
Chặng đường phát triển ngành cá tra
Có thể nói năm 1997, cá tra Việt Nam bắt đầu chập chững tìm đường xuất khẩu với kim ngạch chỉ 1,65 triệu USD, khối lượng xuất khẩu 425 tấn; chiếm 0,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản và bằng 0,6% sản phẩm tôm. Tuy nhiên, trong giai đoạn sơ khai này, giá cá tra xuất khẩu lại đạt mức 3,9 - 4,1 USD/kg.
Về sau, cá tra không thể nào tìm lại được mức giá cao như vậy. Từ năm 2000 trở đi, nghề nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu có những bước nhảy ngoạn mục với việc hình thành nên các vùng nuôi tập trung lớn ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long... với tổng diện tích lên đến hơn 5 nghìn ha. Nếu năm 2001, sản lượng cả vùng mới đạt khoảng hơn 100 nghìn tấn thì năm 2008 đã lên tới trên 1 triệu tấn.
Từ giai đoạn 2001 đến 2008 là thời kỳ ngành cá tra đột phá vào thị trường Mỹ, với khối lượng xuất khẩu hàng năm vào nước này liên tục tăng đến "chóng mặt". Từ năm 2002 trở đi, cá tra Việt Nam gặp liên tiếp các rào cản về thuế chống bán phá giá, chương trình thanh tra cá da trơn (tại Mỹ) và bị bôi nhọ hình ảnh bởi truyền thông, mạng xã hội tại EU ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu.
Giá cá tra trung bình giảm xuống còn khoảng 2,75 USD. Bất chấp những hàng rào kỹ thuật và thương mại, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu cá tra vượt qua mốc 1 tỷ USD vào năm 2008 - cách đây tròn 10 năm.
Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt mốc 1,8 tỷ USD, nhưng giá xuất khẩu bình quân giảm xuống còn 2,15 - 2,25 USD/kg. Từ năm 2012 đến năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra trung bình hàng năm đã thấp hơn so với thời kỳ đỉnh cao (vào năm 2011) và đạt mức từ 1,56 - 1,78 tỷ USD.
Về dự báo năm 2019, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho rằng, cá tra vẫn còn đà phát triển tốt nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết. Xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc còn nhiều tiềm năng do nhu cầu tiêu thụ lớn, sản phẩm đa dạng, thị trường gần. Tuy nhiên, thị trường này ẩn chứa nhiều rủi ro.
Cùng với Indonesia, Trung Quốc cũng đang tích cực nuôi thử nghiệm cá tra thịt đỏ tại một số vùng để trước mắt phục vụ thị trường nội địa. Để xuất khẩu cá tra tiếp tục tăng trưởng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nhanh chóng tối ưu hóa dây chuyền sản xuất giảm chi phí đầu vào và có từng phân khúc khách hàng riêng để tránh làm ảnh hưởng đến nhau.