Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 02/2018, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả đạt 267,2 triệu USD, giảm 30,4% so với tháng trước, tăng 42,8% so với tháng 2/2017. Lũy kế đến hết tháng 2/2018, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả đạt 649,6 triệu USD, tăng 54,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Mặt hàng quả là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 1/2018, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng quả đạt 308,2 triệu USD, tăng 21,1% so với tháng trước, tăng 62,4% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm tới 80,3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Tiếp theo là một số mặt hàng rau quả khác xuất khẩu trong tháng 1/2018 như: Sản phẩm chế biến, rau củ, lá, hoa...
Hầu hết các mặt hàng quả xuất khẩu trong tháng 1/2018 đều tăng mạnh, trong đó đáng chú ý là các mặt hàng như xoài: xuất khẩu với kim ngạch đạt 31,4 triệu USD, tăng 423,7%; Mặt hàng sầu riêng đạt 22,6 triệu USD, tăng 440,1%; Mặt hàng dừa đạt 13,5 triệu USD, tăng 274,8%...
Mặt hàng Thanh Long và Nhãn là hai mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng quả tháng 1/2018, với kim ngạch đạt 114,8 triệu USD và 67,2 triệu USD, tăng 31,5% và 22,1% so với tháng 1/2017.
Theo số liệu thống kê Ủy Ban Thương mại Quốc tế Mỹ, trong tháng 1/2018, trị giá nhập khẩu mặt hàng quả và quả hạch của Mỹ đạt 1,8 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Đáng chú ý, mặc dù trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng, nhưng tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ Việt Nam đạt mức cao, trong tháng 1/2018 trị giá nhập khẩu quả và quả hạch từ Việt Nam đạt 99,7 triệu USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2017. Điều này cho thấy, người tiêu dùng tại Mỹ đang có xu hướng quan tâm nhiều tới trái cây từ Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ các loại quả như thanh long, nhãn, chôm chôm, vải và vú sữa. Tới đây, quả xoài cũng sẽ được hoàn thiện thủ tục để xuất khẩu sang thị trường này. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của Việt Nam đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian tới sang thị trường Mỹ.
Trên thị trường thế giới, nhu cầu rau hữu cơ tại các nước phát triển ngày càng tăng cao. Tốc độ tăng trưởng hàng năm với thị trường rau hữu cơ tại các nước châu Âu tăng từ 20% đến 30% trong vài năm trở lại đây. Trong khi đó, thị phần rau hữu cơ tại Nhật Bản chiếm trên 80% thị trường rau.