Thị trường chứng khoán (TTCK) khởi đầu năm 2022 khá suôn sẻ nhờ tình hình vĩ mô tương đối ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư trong nước. Kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục tốt sau dịch Covid-19, thể hiện qua mức tăng trưởng 5,03% GDP quý 1/2022 so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trương Vĩnh An - Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ KIM Việt Nam đã có những đánh giá về tình hình kinh tế cũng như biến động thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022.
Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 có thể đạt trên 6%
Theo ông Trương Vĩnh An, tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2022 kỳ vọng vào khoảng 6,0 - 6,5% nhờ các hoạt động sản xuất, tiêu dùng và bán lẻ đang dần phục hồi và nhu cầu bị dồn nén quay trở lại sau dịch. Ngoài ra, các động thái quyết liệt hơn của Chính phủ trong việc giải ngân đầu tư công cũng sẽ tạo đà tốt cho nhịp hồi phục kinh tế.
Đại diện KIM Việt Nam cho rằng, ảnh hưởng trực tiếp từ căng thẳng Nga - Ukraine đến kinh tế Việt Nam không đáng kể. Theo số liệu thống kê, là không đáng kể vì thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chỉ khoảng 7,8 tỷ USD, chiếm khoảng 1,2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta.
Ông Trương Vĩnh An - Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ KIM Việt Nam
Mặt khác, các lệnh cấm vận từ Mỹ, Châu Âu và các nước khác lên Nga đã tạo nên những biến động đáng kể đến giá hàng hóa thế giới (dầu, khí đốt, thép, phân bón, lương thực,...), cộng với chi phí vận tải cao gây áp lực lớn lên lạm phát toàn cầu. KIM cho rằng, lạm phát tăng trở lại trong thời gian sắp tới là điều không tránh khỏi tuy nhiên quỹ đầu tư này kỳ vọng lạm phát trong kịch bản cơ sở sẽ vào khoảng 3,5 - 4,0% và vẫn nằm trong mức kiểm soát của chính phủ.
Trước tình hình lạm phát tăng cao, Fed đã tăng lãi suất cơ bản lên 0,25% và dự kiến thêm 6 đợt tăng lãi suất nữa trong 2022. Điều này có thể gây áp lực lên tỷ giá của các nước. Tuy nhiên, Việt Nam có cán cân thương mại thặng dư, nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào, cùng với chủ trương của NHNN trong việc ổn định tỷ giá để thu hút dòng vốn FDI và đẩy mạnh xuất khẩu.
Do đó, KIM Việt Nam dự báo VND sẽ chỉ mất giá khoảng 1% so với USD trong năm nay và việc Fed tăng lãi xuất cũng không tác động đáng kể đến nền kinh tế cũng như thị TTCK Việt Nam.
Lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết dự báo tăng trưởng 15 - 20%
Dù có nhiều biến động trong ngắn hạn nhưng đại diện KIM Việt Nam cho rằng tăng trưởng lợi nhuận mới là động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng của thị trường trong dài hạn. Theo ước tính, lợi nhuận của 100 doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa lớn hàng đầu thị trường trong danh sách theo dõi của quỹ đầu tư này sẽ tăng khoảng 15 - 20% trong năm nay.
Mức tăng trưởng này đến từ các ngành bán lẻ, ngân hàng, công nghệ thông tin, nhờ sức tiêu thụ nội địa hồi phục trong năm nay. Ngoài ra, các hoạt động liên quan đến xuất khẩu như thủy sản, dệt may, logistics cũng sẽ được hưởng lợi từ việc gia tăng nhu cầu tiêu thụ của các nước nhập khẩu chính như Mỹ và Châu Âu.
Kết quả quý 1 và kế hoạch kinh doanh năm 2022 của các doanh nghiệp niêm yết đang dần được hé lộ cho thấy có sự tăng trưởng cao về lợi nhuận đến từ các ngành bán lẻ, thủy sản, phân bón, hóa chất, và dệt may. Sự tăng trưởng này đến từ nhu cầu tiêu dùng hồi phục từ nền thấp năm trước, cùng với giá bán sản phẩm cao hơn cùng kỳ và xu hướng này có thể duy trì trong quý 2.
KIM đánh giá tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng cũng sẽ thể hiện rõ hơn từ quý 2 nhờ yếu tố nền thấp năm trước và áp lực trích lập dự phòng rủi ro cho vay giảm đáng kể trong năm nay. Bên cạnh đó, những khó khăn từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng do chiến tranh Ukraine có thể dần được giải tỏa, và giá cả hàng hóa đầu vào cho các ngành sản xuất có thể giảm dần về mức bình thường có thể cải thiện biên lợi nhuận của một số ngành sản xuất từ nửa sau 2022.
VN-Index có thể đạt đến 1.800 điểm
Với ước tính lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng vào khoảng 15 - 20% trong năm 2022, ở kịch bản cơ sở với giả định mức định giá P/E của thị trường không thay đổi so với năm trước, KIM Việt Nam kỳ vọng VN-Index có thể mức 1.750 - 1.800 trong 2022. Dù vậy, TTCK trong 3 quý còn lại của năm 2022 được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp.
Đại diện KIM Việt Nam cho rằng yếu tố hỗ trợ thị trường sẽ đến từ triển vọng nền kinh tế hồi phục khả quan sau Covid-19. Gói kích cầu kinh tế lớn nhất từ trước tới nay (quy mô 10% GDP) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP và đầu tư công trong những năm sắp tới.
Bên cạnh đó, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân với số lượng tài khoản mở mới cao kỷ lục trong tháng 3/2022 (hơn 270.000 tài khoản mới) sẽ tích cực hỗ trợ thanh khoản thị trường. Hệ thống KRX đi vào hoạt động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của HoSE năm 2022, tạo tiền đề cho giao dịch T+0 qua đó tăng mức độ hấp dẫn và sôi động cho thị trường.
Mặt khác, đợt bùng phát dịch omicron có thể làm tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng trong quý 1 do thiếu hụt lao động, đặc biệt là đối với những ngành thâm dụng lao động. Giá hàng hóa biến động mạnh, gây nên lạm phát cao cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sức mua của người tiêu dùng và triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc Trung Quốc phong tỏa kéo dài gây khó khăn hơn cho chuỗi cung ứng toàn cầu và cản trở hoạt động thương mại của Việt Nam với nước này. Fed cũng có thể thắt chặt tiền tệ mạnh hơn dự kiến để kiểm soát lạm phát, làm cho mức định giá chung của thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường chứng khoán toàn cầu giảm đi.
Việt Nam - tâm điểm của dòng vốn Hàn Quốc
Sau giai đoạn bán ròng triền miên trong hơn 2 năm qua, khối ngoại được dự báo sẽ sớm quay trở lại trong năm 2022. KIM Việt Nam cho rằng yếu tố tiên quyết thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến từ tiềm lực tăng trưởng nội tại tốt và dài hạn của Việt Nam.
Trong năm 2022, theo ước tính của World Bank, Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á về tăng trưởng GDP trong khi lạm phát vẫn được kiểm soát tốt, chính trị ổn định, đồng tiền ổn định, tỷ lệ tiêm vaccine cao và sẵn sàng cho khả năng mở cửa nền kinh tế hoàn toàn hậu Covid-19.
Quy mô thị trường tăng trưởng đáng kể cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút dòng vốn ngoại. Vốn hóa của VN-Index đạt mức 259 tỷ USD và thanh khoản thị trường đạt mức trung bình 1 tỷ USD/phiên, tăng gấp nhiều lần so với đầu năm 2020. Số lượng doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD đã tăng thêm 25 doanh nghiệp trong 2 năm qua lên 48 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khả năng nâng hạng thị trường từ thị trường Cận biên (Frontier Market) lên thị trường Mới nổi (Emerging Market) cũng là một trong những yếu tố được nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi.
KIM cho rằng Việt Nam hiện vẫn là một trong những thị trường trọng điểm của dòng vốn Hàn Quốc thông qua 2 hình thức trực tiếp và gián tiếp. Là một trong những quỹ ngoại tham gia vào thị trường Việt Nam từ rất sớm vào năm 2006, KIM đã và chính thức có công ty quản lý quỹ nội địa từ năm 2020.
Trong vài năm trở lại đây, nhà đầu tư có xu hướng quan tâm hơn đến các sản phẩm ETF - loại hình đầu tư phổ biến tại Hàn Quốc. KIM có định hướng đầu tư dài hạn tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là phát triển mảng quỹ đầu tư ETF. Quỹ ngoại này kỳ vọng sẽ có một lượng tiền tương đối từ các nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam thông qua loại hình đầu tư này.
Hiện tại, KIM đã có 01 quỹ ETF đang mô phỏng chỉ số VN30 Index (ETF KIM GROWTH VN30) và dự kiến sẽ mở thêm các quỹ ETF mới nhằm phục vụ nhu cầu của nhà đầu tư Hàn Quốc trong thời gian tới.