Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may trong quý 1/2022 đạt 8,68 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 1,46 tỷ USD. Đây là mức tăng so với cùng kỳ cao nhất kể từ năm 2012 đến nay. Dệt may cũng là nhóm hàng đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng xuất khẩu quý 1 của cả nước, chiếm gần 14% kim ngạch tăng thêm của cả nước.
Ngoài dệt may, hai nhóm hàng xuất khẩu quan trọng khác của ngành công nghiệp dệt may cả nước là xơ, sợi và vải mành, vải kỹ thuật cũng có sự tăng trưởng tích cực. Trong đó, xuất khẩu xơ, sợi đạt 1,45 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái và nhóm vải mành, vải kỹ thuật đạt hơn 700 triệu USD, tăng 26,5%.
Như vậy, trong quý đầu năm, ba nhóm hàng xuất khẩu chính của ngành công nghiệp dệt may đã đạt giá trị xuất khẩu 10,85 tỷ USD, tương đương hơn 25% so với mục tiêu xuất khẩu đặt ra cho cả năm 2022 là đạt khoảng 42,5 - 43 tỷ USD.
Mức tăng trưởng ấn tượng của ngành dệt may trong quý 1 cũng đã được phản ánh rõ nét qua báo cáo tài chính quý của hầu hết các doanh nghiệp ngành này, khi doanh thu và lợi nhuận có sự tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2021.
Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp tăng trưởng hai chữ số
Là "anh cả" trong ngành dệt may, quý đầu năm, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, mã VGT) ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt gần 4.900 tỷ đồng, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế (LNST) của Vinatex đạt gần 329 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ, bằng 36,5% kế hoạch cả năm. Trong đó, ngành sợi tăng 139% và ngành may tăng 167% so với cùng kỳ.
Theo Vinatex, sở dĩ 2 ngành sợi và may có sự tăng trưởng cao trong quý 1/2022 là vì tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, trong khi các đơn hàng đã được ký từ năm 2021. Với ngành sợi, các đơn vị vẫn tận dụng tốt cơ hội từ thị trường, giá bông tốt vì có sự tích trữ từ năm 2021. Với ngành may, tình hình lao động ổn định do dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, kín đơn hàng, thậm chí có nhiều đơn vị đã ký kết đơn hàng đến quý 3/2022.
Thống kê doanh thu trung bình của các đơn vị trong hệ thống ngành may của Vinatex tại khu vực phía Nam đều tăng trung bình 1,2 - 1,5 lần, đặc biệt có đơn vị tăng tới 2 lần doanh thu so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu quý 1 của Tổng công ty Việt Tiến (VGG) tăng 10%, Tổng công ty Nhà Bè tăng 20%, May Đồng Nai doanh thu tăng 100%, Tổng công ty miền Nam doanh thu tăng 100%; CTCP Đầu tư và Phát triển Vinatex doanh thu tăng 70% so với quý 1/2021…
Tương tự Vinatex, CTCP Đầu tư và thương mại TNG (mã TNG) cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số trong quý 1. Theo đó, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.260 tỷ đồng và LNST 38,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 38,3% và 73,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2022, TNG đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.990 tỷ đồng, LNST 279 tỷ đồng; lần lượt tăng 10% và 20,2% so với thực hiện 2021. Như vậy, hết quý 1, công ty đã thực hiện được 21% mục tiêu doanh thu năm và 13,6% mục tiêu lợi nhuận năm.
Trong khi đó, 3 tháng đầu năm CTCP Dệt may Đầu tư thương mại Thành công (TCM) đạt doanh thu thuần 1.222 tỷ đồng, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái; LNST đạt 73,7 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ.
Năm 2022, TCM đặt mục tiêu doanh thu ở mức gần 4.183 tỷ đồng và LNST dự kiến 253,8 tỷ đồng. Hiện TCM đã nhận đơn hàng đến quý 3/2022 và chuẩn bị nhận đơn hàng cho quý 4/2022.
Tại CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (mã GIL), trong quý 1, công ty đạt doanh thu thuần 1.417 tỷ đồng và LNST hơn 107 tỷ đồng, lần lượt tăng 64% và 50,6% so với cùng kỳ.
Cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số, trong quý 1, CTCP Sợi Thế Kỷ (mã STK) đạt doanh thu thuần 640 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021, LNST đạt 76,3 tỷ đồng, tăng 8,8%. Trong khi, CTCP Damsan (mã ADS) ghi nhận doanh thu thuần gần 445 tỷ đồng và lãi ròng 28,5 tỷ đồng, đều tăng hơn 41% so với cùng kỳ. Tổng công ty May 10 cũng ghi nhận doanh thu quý 1 gần 856 tỷ đồng và lãi ròng 22,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 18,6% và 15,9% so với cùng kỳ.
Trong bức tranh tăng trưởng lợi nhuận phần lớn "màu sáng" của các doanh nghiệp dệt may, CTCP May Sông Hồng (mã MSH) là một trong số ít các doanh nghiệp chứng kiến lãi ròng giảm so với cùng kỳ. Trong 3 tháng đầu năm, mặc dù doanh thu thuần của May Sông Hồng tăng 36,5% so với cùng kỳ, lên gần 1.292 tỷ đồng, nhưng LNST lại giảm 11%, chủ yếu do giá vốn, chi phí lãi vay và chi phí bán hàng đều tăng khá mạnh so với cùng kỳ.
Triển vọng khả quan nhưng vẫn đối mặt nhiều thách thức
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong quý 1/2022 tăng 23% so với cùng kỳ, đạt 8,7 tỷ USD là nhờ được thúc đẩy bởi nhu cầu bị dồn nén mạnh mẽ sau khi đóng cửa ở nhiều nước phát triển và sự phục hồi của hoạt động sản xuất trong nước sau khi ngừng hoạt động vào quý 3/2021.
Thống kê cho thấy, thị trường Hoa Kỳ có mức tăng trưởng mạnh nhất khoảng 40% so với cùng kỳ trong quý 1, chiếm khoảng gần 50% giá trị xuất khẩu hàng dệt may.
Nhiều thương hiệu thời trang (như Nike, Adidas, Columbia, H&M) đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu năm 2022 trong khoảng 10 - 20% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng tăng cao sẽ tạo điều kiện thúc đẩy đơn hàng cho các công ty dệt may. Nhiều doanh nghiệp như TCM, TNG, MSH đã nhận được đầy đủ đơn đặt hàng cho đến cuối quý 3/2022. Trên cơ sở đó, VDSC kỳ vọng kết quả kinh doanh của các công ty dệt may sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2022.
Mặc dù nhiều công ty dệt may như TCM, TNG, MSH đã nhận được đủ đơn đặt hàng cho đến hết quý 3/2022, tuy nhiên VDSC đánh giá ngành công nghiệp thời trang đang phải đối mặt với áp lực giá nguyên liệu tăng cao do xung đột Nga-Ukraine và việc đóng cửa ở Thượng Hải.
Điều này đồng nghĩa với việc các loại sợi dệt có nguồn gốc từ dầu mỏ, chẳng hạn như polyester, có thể phải đối mặt với áp lực giá rất lớn. Khi sợi nhân tạo trở nên đắt hơn, nhu cầu đối với sợi tự nhiên cũng có thể tăng lên, cuối cùng kéo dài lạm phát giá đối với sợi tự nhiên.
Rủi ro trên khiến VDSC lo ngại tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty dệt may Việt Nam, vốn đã giảm trong nửa cuối năm 2021 sẽ khó cải thiện mạnh trong năm 2022. Tuy nhiên, do nhu cầu cao từ các thương hiệu thời trang, VDSC vẫn kỳ vọng các công ty này có thể tăng giá bán để duy trì tỷ suất lợi nhuận gộp bằng mức của năm 2021.
Còn theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2022 các doanh nghiệp dệt may có thể vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như chi phí nguyên vật liệu (giá sợi) và chi phí vận chuyển quốc tế được dự báo tiếp tục tăng/hoặc neo ở mức cao trong ít nhất nửa đầu năm 2022, và chi phí phòng dịch trong quá trình sản xuất vẫn là gánh nặng đối với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dù cơ cấu đơn hàng của năm 2022 đã có sự thay đổi so với 2021, đơn hàng dệt kim nhiều hơn. Trong khi dù hiện tại nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng đến quý 2 và quý 3/2022 nhưng chưa thể dự đoán được thị trường sẽ thế nào sau đó vì phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch.
Ngoài ra, theo nhận định của các chuyên gia, dù thị trường dệt may khởi sắc nhưng nhiều đối thủ của dệt may Việt Nam như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ… cũng tăng tốc và có nhiều nỗ lực để bù đắp những thiếu hụt về kim ngạch trong năm 2021.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cho biết, đa số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu "xanh hóa trong sản xuất" như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải. Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.
Theo Bộ Công Thương, rào cản lớn nhất hiện nay với các doanh nghiệp là khoản đầu tư lớn khi đầu tư máy móc, công nghệ. Tuy nhiên, không phải vì thấy khó mà dừng lại, vì nếu để mất khách hàng doanh nghiệp sẽ không thể duy trì hoạt động. Do đó, chuyển đổi theo hướng "xanh hóa" là vấn đề cấp bách của các doanh nghiệp.