Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã KBC) thông qua việc vay vốn công ty con.
Theo đó, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc thông qua việc vay tín chấp với hạn mức vay là 200 tỷ đồng tại Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời gian vay tối đa 2 năm và lãi suất theo thỏa thuận tại từng hợp đồng vay. Lãi suất cho vay theo thoả thuận tại từng hợp đồng vay, tiền lãi thanh toán một lần khi tất toán các khoản vay.
Vào cuối tháng 10, Kinh Bắc cũng vay Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang số tiền là 700 tỷ đồng với mục đích bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Được biết, tính tới 30/9/2021, KBC sở hữu 88,06% vốn điều lệ tại công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Kết thúc quý 3/2021, KBC báo doanh thu quý đạt 325 tỷ đồng tăng 61% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng 91% lên 166 tỷ đồng khiến lãi gộp chỉ tăng 38% ở mức 159 tỷ đồng, theo đó biên lợi nhuận gộp giảm từ 57% xuống 49%.
Chi phí tài chính tăng mạnh từ 76 tỷ lên 178 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay (154 tỷ đồng). Chỉ tính riêng khoản mục này đã hơn cả lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của KBC.Chi phí lãi vay ăn mòn lợi nhuận khiến KBC ghi nhận lỗ ròng 59 tỷ đồng, trong khi các quý trước đều ghi nhận lãi lớn.
Nhờ kết quả kinh doanh nửa đầu năm, doanh thu thuần vẫn gấp hơn 3 lần lên 3.076 tỷ đồng sau 9 tháng. Lợi nhuận sau thuế gấp 7,6 lần, đạt 733 tỷ đồng. So với kế hoạch năm, công ty hoàn thành 47% doanh thu và 37% lợi nhuận.
Tính đến thời điểm cuối tháng 9, tổng tài sản của KBC đạt gần 30.200 tỷ đồng, tăng gần 27% so với đầu năm. Nợ phải trả chiếm 14.950 tỷ đồng trong nguồn vốn. Trong kỳ, dư nợ vay của KBC đạt 7.375 tỷ đồng, chủ yếu là vay dài hạn.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu KBC đang duy trì đà tăng khá tích cực từ giữa tháng 7. Theo đó, thị giá KBC đã tăng 60% lên mức 50.500 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 9/11).