Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Thiện, ác mong manh

28/08/2018 16:36
Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định lãnh đạo doanh nghiệp đòi nợ phải có bằng đại học trở lên, doanh nghiệp phải có vốn tối thiểu 2 tỷ đồng, nhân viên phải mặc đồng phục là không cần thiết. Với loại hình kinh doanh nhạy cảm, ranh giới lao lý mong manh này, quan trọng nhất là các bộ, ngành làm sao để quản lý chặt chẽ, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, an toàn cho xã hội.

Ði đòi nợ bằng đồng phục, con nợ chạy “mất dép”

Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 104/2007 về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhằm hạn chế tối đa những bất cập của hoạt động kinh doanh này thời gian qua.

Trong dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi nội dung về điều kiện kinh doanh, bổ sung quy định về trang phục đối với nhân viên đòi nợ.

Theo đó, người lao động của doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi đi đòi nợ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với chủ nợ, khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan.

Theo báo cáo của các địa phương (TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An), thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ tổ chức thành đoàn, tụ tập đông người với trang phục kiểu “xã hội đen”, “đầu gấu” để đi thu nợ, gây rối tại nơi ở, nơi sản xuất của cá nhân, tổ chức mắc nợ..., gây hoang mang, cản trở kinh doanh, ảnh hưởng đến danh dự, quyền tự do của cá nhân, của tổ chức mắc nợ.

Bộ Tài chính cho rằng, việc quy định về trang phục cho người lao động trong DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ là rất cần thiết để: Tăng cường sự giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động này thông qua việc nhận diện nhân viên đòi nợ; Hạn chế tình trạng tụ tập, gây rối như nêu trên; Giúp nâng cao nhận thức của xã hội về ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng là ngành nghề hợp pháp; Tạo sự yên tâm cho tổ chức, cá nhân khách nợ khi tiếp xúc, làm việc với những nhân viên đòi nợ có mang trang phục. Việc quy định về trang phục còn tạo ra ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động trong DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ, hạn chế các vi phạm khi thực hiện đòi nợ, thể hiện sự chuyên nghiệp của người lao động trong DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Theo dự thảo Nghị định này, Bộ Công an sẽ là đầu mối chỉ đạo công an các cấp kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

“Đi đòi nợ mà mặc đồng phục thì chưa đến nơi “con nợ” đã chạy “mất dép”. Do đó, chỉ cần ăn mặc chỉnh tề, không cần “hổ báo” và quan trọng là kinh nghiệm xử lý tình huống”, anh Hùng (45 tuổi), chủ một DN kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ ở quận Bắc Từ Liêm nói.

Cũng bàn về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng, nhân viên đòi nợ cần những kỹ năng giao tiếp, thương lượng và tạo được thiện cảm với người bị đòi nợ. Do đó, khi các nhân viên này mặc đồng phục có thể khiến đối phương không thiện cảm và gây khó khăn cho công việc ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Còn theo PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, với dịch vụ kinh doanh đòi nợ, đồng phục hay không, không quan trọng. “Đòi nợ thuê là một lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy, cần có những quy định cụ thể để đảm bảo cho họ quyền tự do kinh doanh, tuy nhiên, vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Quan trọng nhất là các bộ, ngành làm sao để quản được loại hình dịch vụ này, đòi được nợ cho dân và DN, không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự”, bà An bày tỏ.

Người đòi nợ đa số có tiền án, tiền sự

Theo anh Hùng chủ DN kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ, có tới 70-80% nhân viên hoạt động trong lĩnh vực đặc thù này có tiền án, tiền sự.

Thế nhưng, trong dự thảo Nghị định nói trên, Bộ Tài chính cho rằng, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ là hoạt động nhạy cảm về mặt xã hội, dễ xảy ra các vi phạm về an ninh, trật tự do hành vi đòi nợ bất hợp pháp, cần quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một loại hình kinh doanh có điều kiện.

Do đó, việc quy định điều kiện về trình độ của người quản lý, giám đốc chi nhánh và người lao động của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhằm bảo đảm các cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh dịch vụ này có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; có chuyên môn, nghiệp vụ đòi nợ theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện đòi nợ chủ yếu bằng kỹ năng đàm phán, thương thuyết; hiểu và luôn tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tránh đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”, làm mất an ninh, trật tự xã hội.

Cũng tại dự thảo Nghị định này, một trong những điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ được nêu rõ: “Có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh”.

Không đồng tình với quan điểm này, Luật sư Trương Thanh Đức, cho rằng: “Thực tế, kinh doanh đòi nợ là một dịch vụ không đòi hỏi phải có kiến thức học thuật. Mặt khác, với chất lượng bằng cấp hiện nay, việc “sắm” một bằng đại học chuyên ngành không phải là khó, mà năng lực thực chất lại không phản ánh qua bằng cấp. Cách quy định như vậy có thể dẫn đến tình trạng “thuê” bằng hoặc những tiêu cực khác khi đăng ký kinh doanh với hoạt động này”.

Dẫn ví dụ ở Australia, luật sư Đức cho hay, ở đây kinh doanh đòi nợ không đòi hỏi bằng cấp của người quản lý cấp cao mà chỉ nêu những yêu cầu chặt chẽ như: “Không được gọi điện đòi nợ trước 9 giờ sáng, không được gọi vào chủ nhật, ngày lễ”. Trong khi đó, quy định về đòi nợ của Việt Nam lại thiếu những nội dung này.

Còn theo anh Hùng, 80% chủ DN kinh doanh loại hình này không có bằng đại học, nhân viên càng không thể có. “Chủ yếu cả “sếp” và nhân viên đều là người máu mặt, thậm chí tiền án, tiền sự nhiều hơn... tiền mặt”, anh Hùng cho hay. Anh Hùng cho rằng, người có học sẽ kinh doanh các dịch vụ khác an toàn hơn không phải đụng chạm đến pháp luật như kiểu đòi nợ thuê. Hơn nữa, để hoạt động yên ổn, loại hình kinh doanh này như ở Hà Nội, những công ty này thường phải có người chống lưng, có thể là các lãnh đạo phòng hình sự, hoặc lãnh đạo công an quận, huyện nơi DN này có trụ sở.

“Nợ thì phải trả. Với mỗi “phi vụ làm ăn”, DN đòi nợ sẽ được trả hoa hồng 50%, hoặc 40-60% tùy tính chất phức tạp của vụ việc. Song hầu hết những vụ họ tìm đến dịch vụ đòi nợ thuê đều thuộc dạng rất khó đòi. Ông nào có tí học, có quan hệ, khi đi đòi nợ sẽ gọi cho “người có tóc” - lãnh đạo chính quyền địa phương để giải quyết, chấp nhận san sẻ lợi ích. “Chẳng hạn, ông A đi đòi nợ 2 tỷ đồng liền gọi cho trưởng/phó công an phường, quận thỏa thuận động viên người ta trả nợ, thành công thì lãnh đạo đó sẽ được hưởng khoảng 300-500 triệu đồng. Nhanh gọn!”, anh Hùng cho hay.

Theo anh Hùng, mỗi người đòi nợ có một “bí quyết riêng”, không ai chia sẻ ra ngoài. Chẳng hạn, có những vụ đòi nợ không cần dùng đến vũ lực con nợ vẫn phải trả tiền. Thí dụ, họ cho người theo dõi vợ con của “con nợ” đi lại trên đường, lái xe tông thẳng vào, chỉ gây xây xước nhẹ. Thậm chí, nhóm đòi nợ sẵn sàng chở người bị nạn vào viện, lo cả thuốc thang, viện phí. Sau đó, uy hiếp tinh thần khiến “con nợ” phải trả”, anh Hùng kể.

Cũng theo người này, trước đây, các biện pháp “khủng bố” tinh thần hay được giới đòi nợ áp dụng như ném chất bẩn vào nhà “con nợ”, cho người lạ đeo khẩu trang la cà quanh nhà lúc nửa đêm, bám theo mọi di biến động của vợ con hoặc người yêu của “con nợ”...

Cao tay hơn, theo anh Hùng, giới đòi nợ có thể dùng “mỹ nhân kế” tìm cách làm quen với “con nợ” rồi cho vào bẫy, quay phim chụp ảnh. Nếu “con nợ” không chịu trả sẽ đe dọa tung lên mạng xã hội hoặc báo cho vợ con biết... khiến đối phương sợ hãi, lập tức xoay tiền trả nợ.

Vốn là “nghề rất bạc” nhưng theo anh Vinh (chủ một DN thu hồi nợ ở Hà Nội), thu nhập của người đòi nợ không cao, chỉ 7-8 triệu đồng/tháng. Để tăng thu nhập, đòi hỏi người đòi nợ phải làm được việc. Trước hết, những người này phải có kỹ năng đàm phát tốt, hoạt bát, biết ăn nói, và có những “độc chiêu” riêng. Một điều không thể thiếu nữa là họ phải am hiểu pháp luật để không phạm pháp, tránh được những ranh giới mong manh có thể dẫn họ đến vòng lao lý.

Dự thảo Nghị định 104 của Bộ Tài chính tiếp tục giữ quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỷ đồng. Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý thuộc Ðại học Fulbright Việt Nam cho rằng, vốn điều lệ của DN chỉ mang tính hình thức, pháp luật không nên áp đặt. Do đó, đặt ra quy định này chính là gây khó cho DN. Một DN hoạt động chỉ cần có đầy đủ cơ sở vật chất và con người hợp pháp.



Tin mới

Cận cảnh siêu phẩm sedan cỡ nhỏ: Trang bị cửa sổ trời cùng loạt tính năng hiện đại, ăn 3,88 lít xăng/100 km
11 giờ trước
Chiếc sedan đến từ thương hiệu Nhật Bản có khả năng tiết kiệm nhiên liệu ấn tượng khi chỉ hết 3,88 lít/100 km.
Xuất khẩu thủy sản trên đà phục hồi hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD
2 giờ trước
10 tháng qua, xuất khẩu thủy sản của nước ta tăng 28% so với cùng kỳ năm ngóai, khả năng cao sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay.
Thái Lan có động thái mới vụ 7 tấn nho Shine Muscat nghi nhiễm độc
3 giờ trước
Nước này triển khai quy trình nghiêm ngặt trước thông tin trên.
Một mẫu iPhone đang giảm hơn 13 triệu, giá bán chỉ từ 8 triệu đồng
3 giờ trước
Hiện tại, mẫu iPhone này đang được bán tại nhiều đại lý với mức giá cực rẻ.
"Vua doanh số" của Xiaomi, bán chạy hơn S24 Ultra: Màn hình mượt hơn iPhone 16, giá chưa đến 3 triệu
3 giờ trước
Đâu là lý do khiến mẫu điện thoại giá rẻ này có sức hút lớn như vậy?

Tin cùng chuyên mục

Sếp Tổng cục Thuế: Sàn Temu đã kê khai thuế nhưng “ghi doanh thu bằng 0”, cơ quan thuế đang giám sát
21 giờ trước
Đây là thông tin mới nhất được lãnh đạo Tổng cục Thuế đưa ra khi trả lời báo chí về xử lý các vấn đề liên quan đến đăng ký mã số thuế và báo cáo doanh thu tự nộp của sàn này ở Việt Nam.
Chiếc iPhone này đang bán chạy nhất thế giới, không phải iPhone 16!
1 ngày trước
Theo Counterpoint Research, trong quý 3/2024, mẫu iPhone này đang có doanh số bán ra cao nhất thế giới.
Sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán hàng: Có dễ thực hiện?
1 ngày trước
Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi lần này nêu rõ trách nhiệm cho các sàn TMĐT phải kê khai thay, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT.
6 tháng, Ngân hàng Nhà nước bán ra hơn 13 tấn vàng: Vì sao người Việt vẫn "mê" vàng đến thế?
1 ngày trước
Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng ra thị trường hơn 13 tấn vàng trong vòng 6 tháng để "hạ nhiệt" giá vàng.