Các hoạt động thương mại, kinh doanh, mua bán hàng hóa bắt đầu bình thường trở lại khi dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát. Tuy nhiên kéo theo đó, tình trạng kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ lại diễn biến vô cùng phức tạp.
Nhằm trấn áp hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ngày 22/5/2020, Tổ công tác về Thương mại điện tử (Tổ 368), Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổng Cục QLTT đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục QLTT TP HCM, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM đồng loạt ra quân và tiến hành kiểm tra tại 6 tụ điểm kinh doanh có dấu hiệu vi phạm thuộc Quận 1 và Quận 10.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện hàng chục ngàn mặt hàng có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu lớn đã được bảo hộ ở Việt Nam như Gucci, D&G, LV…, hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ của người tiêu dùng. Làm việc với Đoàn kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ mua bán, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Theo Cơ quan quản lý thị trường, các cơ sở kinh doanh này đã lợi dụng mạng xã hội, Internet để quảng cáo và bán ra thị trường các sản phẩm nói trên trong một thời gian dài. Chủ các cơ sở này thừa nhận dùng những hình thức phổ biến như Livestream trên Facebook để bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng.
Tại các cơ sở vi phạm, các đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ số hàng hóa vi phạm, tiếp tục các biện pháp nghiệp vụ để xử lý theo thẩm quyền.
Trước đó, ngày 21/5, cơ quan quản lý thị trường cũng đã vào cuộc và phát hiện hàng ngàn sản phẩm giả thương hiệu nổi tiếng thế giới được bày bán công khai tại nhiều tuyến phố trên địa bàn thủ đô Hà Nội.
Cụ thể, theo Tổng cục Quản lý thị trường, cơ quan này vừa tạm giữ hơn 2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng tại các cửa hàng kinh doanh quần áo, giày túi, ví… trên tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo đó, kiểm tra cửa hàng TMQ 23 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm) lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ 565 sản phẩm bao gồm áo, quần, mũ, dép, áo sơ mi của các nhãn hiệu Burrbery, Lacost, Fendi, Nike, Adidas, Gucci.
Tiếp tục kiểm tra tại cửa hàng SIS Mai Linh số 3 Hàng Điếu, đoàn kiểm tra đã tạm giữ 171 sản phẩm bao gồm túi, ví, áo, phụ kiện thời trang, thắt lưng giả các nhãn hiệu Burberry, Gucci, Chanel, LV, Hermes,. Dior, Valentino, Ferragamo.
Tại địa điểm số 71 Hàng Đường (quận Hoàn Kiếm), lực lượng QLTT cũng tạm giữ 131 sản phẩm, bao gồm 91 sản phẩm dây lưng da do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hoá và 40 sản phẩm ví da, dây lưng da mang nhãn hiệu Versace, Polo, Calvin Klein, Hermes, Gucci, Montblanc...
Tại cửa hàng số 111 Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) tạm giữ 214 sản phẩm bao gồm trang sức, giày túi ví khăn... có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Chanel, Dior, LV, Hermes, Salvatore Ferragamo...
Tại địa chỉ 27 Hàng Cá, đoàn kiểm tra tạm giữ 338 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu Chanel, LV, Gucci, Hemes, Dior, Lascote, Burberry và 147 sản phẩm chưa xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Kiểm tra cửa hàng số 46 Hàng Cân (quận Hoàn Kiếm), đoàn kiểm tra tạm giữ 174 sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Louis Vuitton, Dior, Chanel, Hermes, Gucci, đa phần là các mặt hàng túi, ví, dây lưng, giày dép.
|
Cũng trong ngày 21/5, đội QLTT số 2 (Cục QLTT Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra cửa hàng Minh Châu - phụ kiện thời trang ở số 51 Hai Bà Trưng và tạm giữ 634 sản phẩm bao gồm 124 sản phẩm giày, xăng đan, dép, mũ, túi xách mang các nhãn hiệu Chanel, LV, Gucci, Hermes và 510 sản phẩm đồ mỹ ký chưa xuất trình được hóa đơn, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Tổng cục QLTT cho biết, từ nay đến hết năm 2020, Tổng cục QLTT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc Tổng cục tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.