Theo số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước cập nhật, cuối tháng 6/2021, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đạt hơn 10,4 triệu tỷ đồng, tăng 3,84% so với đầu năm.
Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng mạnh đạt trên 5,11 triệu tỷ đồng, gần bằng với lượng tiền gửi của dân cư (hơn 5,29 triệu tỷ).
So với đầu năm 2021, tiền gửi của các doanh nghiệp đã tăng 4,78% trong khi tiền gửi của dân cư chỉ tăng 2,94%.
Và so với đầu năm 2020 - tức từ khi đại dịch xảy ra, tiền gửi của các doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng đã tăng tới 29%, trong khi tiền gửi dân cư chỉ tăng 9,6%.
Nguồn: SBV
Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết, do hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, đầu ra thiếu ổn định nên họ quyết định tạm thời không mạo hiểm đổ nhiều vốn vào kinh doanh. Thay vào đó, họ tích luỹ tiền mặt, vừa để duy trì, đồng thời chờ khi đại dịch đi qua, tình hình ổn định hơn có thể ngay lập tức quay trở lại thị trường. Tiền gửi vào ngân hàng cũng có lãi đều đặn trong thời điểm này, tuy không nhiều nhưng có còn hơn không. Hơn nữa, tiền gửi có tính thanh khoản cao và an toàn, thay vì mang đi đầu tư ở những lĩnh vực không phải thế mạnh sẽ rất rủi ro.
Lãi suất của khách hàng doanh nghiệp nhìn chung cũng không giảm mạnh như với khách hàng cá nhân trong thời gian qua. Hiện với kỳ hạn 12 tháng, khách hàng doanh nghiệp có thể hưởng lãi từ 4,6-6,3%/năm.
Ở chiều ngược lại, tiền gửi dân cư có dấu hiệu tăng chậm lại rõ rệt thời gian qua. Các khoản tiền gửi của cá nhân lại thường là các món nhỏ nên gửi vào ngân hàng cũng không đem lại nhiều lợi nhuận khi lãi suất tiền gửi xuống thấp kỷ lục như hiện nay. Kể từ khi đại dịch xảy ra, lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân đã giảm khoảng 1,5-2,5%/năm.
Trong khi đó, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản nổi lên thời gian qua với mức sinh lời hấp dẫn. Lượng khách hàng mới của các công ty chứng khoán tăng chóng mặt trong khi các cơn sốt đất diễn ra ở nhiều địa phương.