CTCP Nông nghiệp xanh Hưng Việt vừa thực hiện đổi tên thành Công ty CP Đầu tư HVA, một doanh nghiệp đang niêm yết trên HNX với mã chứng khoán HVA, vào ngày 25.12 vừa qua đã ra thông tin quan trọng về việc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh và khai trương Cổng thông tin khởi nghiệp và gọi vốn cộng đồng “Fundgo”. Theo đó HVA từ công ty với hoạt động kinh doanh chủ đạo chăn nuôi, trồng trọt sẽ “lột xác” thành công ty đầu tư và tư vấn tài chính.
Đồng thời, HVA sẽ thực hiện gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) cho dự án "Cho vay ngang hàng trên nền tảng blockchain" trên FundGo từ ngày 1.1 đến 31.1.2018. Quyết định của HĐQT công ty HVA được đánh giá đầy táo bạo vì đây là lĩnh vực kinh doanh rất mới trên thị trường hiện nay.
Lãi đột biến nhờ thoái vốn
Kết thúc năm 2016, mức độ hoàn thành các chỉ tiêu của công ty đều thấp hơn kế hoạch kinh doanh rất nhiều. Cụ thể, doanh thu chỉ đạt 17,32% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất thuộc công ty mẹ chỉ đạt 15,19% kế hoạch.
Nguyên nhân được đưa ra là do thời tiết diễn biến không thuận lợi, nông sản mất mùa, sản lượng không cao đồng thời ngành chăn nuôi cũng gặp những khó khăn nhất định về giá cả và đầu ra đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của công ty. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 1.443 triệu đồng thì công ty mẹ chỉ đóng góp 513 triệu đồng cho thấy hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào các công ty con rất nhiều.
Sang quý III.2017, HVA báo lãi đột biến với lợi nhuận sau thuế đạt 5.079 triệu đồng tăng gấp 317 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó đóng góp chủ yếu là doanh thu từ hoạt động tài chính với 5.538 triệu đồng, tăng gấp 24 lần so với con số 224 triệu của cùng kỳ năm 2016.
Đáng chú ý, doanh thu này đến từ hoạt động thoái vốn tại công ty con. Trong đó, công ty thoái 100% vốn tại Công ty CP Thực phẩm Bắc Việt Yên Châu trị giá 18 tỷ đồng. Thoái xong vốn tại Công ty Yên Châu, HVA đã đầu tư 15 tỷ đồng góp vốn vào Công ty CP Đầu tư Thương mại Hưng Nguyên để nắm giữ 46,6% vốn điều lệ và góp vốn thành lập Công ty CP Thạch Thành Xuân với số vốn đầu tư 15.790 triệu đồng (chiếm 47,8% vốn điều lệ) bằng tài sản trang trại tại Thạch Thành – Thanh Hoá. Do HVA đã tái cơ cấu các khoản đầu tư và không còn nắm giữ đủ 51% vốn điều lệ tại các công ty con nên loại Báo cáo tài chính thay đổi thành Báo cáo tài chính riêng.
Như vậy, mặc dù phần lớn lợi nhuận công ty năm 2016 đến từ công ty con nhưng đến nay HVA đã mạnh dạn “cắt bỏ” phần vốn tại đây cho thấy quyết tâm chuyển hướng kinh doanh của Ban lãnh đạo: chỉ đầu tư vào ngành nông nghiệp dưới mô hình công ty liên kết còn công ty mẹ thì thay đổi hoàn toàn sang hình thức công ty đầu tư và tư vấn tài chính.
Chê nông nghiệp èo uột, HVA chuyển sang nhà đầu tư tài chính
Từ cuối năm 2016, do hoạt động kinh doanh cốt lõi chăn nuôi và trồng trọt không đem lại hiệu quả tốt, báo cáo của Ban giám đốc công ty đã hé mở về việc thay đổi mô hình công ty hướng đến mô hình ngân hàng đầu tư. Hiện thực hoá hướng đi mới, tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 vào cuối tháng 7 của công ty HVA đã thông qua một loạt thay đổi lớn như đổi tên công ty, thay trụ sở chính và người đại diện theo Pháp luật. Theo đó, sự chuyển mô hình công ty cũng xuất hiện nhiều cá nhân mới trong ban lãnh đạo. Trong đó, ông Nguyễn Khánh Toàn chính thức đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT từ ngày 1.8 thay cho ông Nguyễn Ngọc Sơn.
Để huy động nguồn cho hoạt động đầu tư của mình, HVA dự kiến chào bán 6,5 triệu cp, tương ứng tỷ lệ phát hành 115% để nâng vốn điều lệ lên 121,5 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong quý IV.2017 hoặc quý I.2018. HVA đưa ra mức giá chào bán là 10.000 đồng/cp dựa trên các cơ sở thị giá cổ phiếu vào 29.9 là 3.400 đồng/cp, giá trị sổ sách vào 30.9 là 11.583 đồng/cp và sau pha loãng còn 10.736 đồng/cp.
Đối với số tiền 65 tỷ đồng thu được sau đợt phát hành riêng lẻ, công ty dự kiến sẽ tái đầu tư góp vốn vào các công ty thuộc lĩnh vực công nghệ, tiêu dùng, nước giải khát và bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh.
Nhóm doanh nghiệp mà HVA đầu tư đều có tuổi đời khá non trẻ như Công ty CP Đầu tư Hàng tiêu dùng Quốc tế và Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ tự động DG mới thành lập năm 2015, hai Doanh nghiệp còn lại Công ty CP Nước giải khát Hanico và Công ty CP Công nghệ Hypernet thì đang trong giai đoạn startup.
HVA cũng sẽ dành 5 tỷ đồng để dự trữ đầu tư startup cho thấy một trong những hướng đi mới của công ty sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp – đây được xem là lĩnh vực đầu tư đầy thách thức vì hiệu quả kinh doanh chỉ được kiểm nghiệm trong tương lai.
Ngoài ra, nhằm thu hút 1.000 tỷ đồng để thực hiện dự án “Cho vay ngang hàng trên nền tảng Blockchain” HVA cũng chính thức khai trương cổng thông tin khởi nghiệp và gọi vốn cộng đồng Fundgo. Theo đó, công ty sẽ thực hiện gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) cho dự án bắt đầu từ năm 2018, trong vòng 1 tháng từ ngày 01-31.01.2018.
Blockchain được biết đến là công nghệ nền tảng của đồng tiền Bitcoin đang gây sốt thời gian qua. Mạng lưới Blockchain của Bitcoin cho phép chuyển đồng Bitcoin từ người này sang người khác mà không phải qua trung gian tài chính nào. |
Đối với giao dịch Fundgo tại dự án của HVA, Blockchain là nền tảng công nghệ lưu giữ thông tin trong các khối được liên kết bằng mã hóa. Dự án cho vay ngang hàng trên nền tảng Blockchain hiểu một cách đơn giản là một mô hình kinh doanh sử dụng công nghệ Blockchain để kết nối nhà đầu tư với cá nhân và doanh nghiệp muốn vay.
Những người có nhu cầu vay dự kiến sẽ phải trả chi phí dịch vụ và lãi suất thấp hơn hoặc bằng lãi vay ngân hàng. Như vậy, mô hình này giúp người cho vay và người vay gặp nhau dễ dàng hơn đồng thời nhà đầu tư có mức lợi nhuận cao hơn so với gửi tiền tiết kiệm truyền thống.
Tuy nhiên rủi ro tín dụng sẽ được chuyển giao trực tiếp cho nhà đầu tư trong trường hợp người đi vay không thanh toán. Do đó, hiệu quả đem lại cho HVA là câu trả lời không chắc chắn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng mở rộng mô hình cho vay ngang hàng tại Việt Nam trong tương lai.