Do tình hình dịch bệnh Covid-19 xảy ra trong thời gian qua, không ít cá nhân, tổ chức kinh doanh gặp khó khăn, thậm chí là thua lỗ đến mức không có tiền trả nợ cho ngân hàng.
Nhiều người lo lắng mình sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên theo Luật sư thì đây chỉ là sự hiểu nhầm của người vay tiền.
Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, nếu người vay tiền chân thật, sử dụng tiền vay đúng mục đích theo hợp đồng tín dụng nhưng không may gặp tình hình khó khăn (như dịch bệnh Covid-19 gây ra, thiên tai, hỏa hoạn, kinh doanh thua lỗ…) dẫn đến không có tiền để trả nợ gốc, lãi thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chỉ trong trường hợp người vay tiền có hành vi gian dối, như là sử dụng tiền vay để thực hiện vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có tiền trả lại cho ngân hàng hoặc có tiền trả cho ngân hàng mà trốn tránh, không chịu trả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017); làm giả giấy tờ để vay tiền của ngân hàng nhằm chiếm đoạt số tiền đó thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Ảnh minh hoạ |
Đồng thời, căn cứ vào Điều 299, Điều 303, khoản 7 Điều 323 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi khoản vay đến hạn mà người vay không trả được tiền gốc và lãi theo hợp đồng tín dụng thì ngân hàng được quyền thực hiện các thủ tục thu hồi nợ theo quy định của pháp luật, hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản (nếu có). Việc thu hồi nợ này là kê biên, đấu giá tài sản bảo đảm hoặc khởi kiện ra Tòa án yêu cầu thanh toán tiền nợ gốc và lãi theo quy định.
Như vậy, trong trường hợp người vay gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra dẫn đến kinh doanh thua lỗ (khoản tiền vay sử dụng vào đúng mục đích như hợp đồng tín dụng) thì không bị coi là có tội; ở đây, chỉ là tranh chấp dân sự giữa ngân hàng với người vay.
Theo Luật sư Phạm Thanh Hữu, nếu cá nhân, tổ chức vay tiền của ngân hàng và sử dụng đúng mục đích số tiền vay vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng không may gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 dẫn đến thua lỗ, mất khả năng thanh toán thì ngân hàng nên có chính sách gia hạn trả nợ gốc, giảm lãi suất, miễn tiền phạt chậm trả… để tạo điều kiện thuận lợi cho người vay khởi động lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình nhằm có tiền thanh toán nợ. Nếu ngân hàng khởi kiện người vay tiền ra Tòa án lúc này thì người vay cũng không có tiền để thanh toán cho ngân hàng, tình hình khó khăn sẽ càng khó khăn hơn.
(Theo Nhịp sống Việt)