Nếu như việc sử dụng margin được coi là "cây đũa thần" giúp nhà đầu tư gia tăng lợi nhuận nhanh chóng khi cổ phiếu tăng giá thì nó cũng là con dao hai lưỡi có thể gây tác dụng ngược khi cổ phiếu diễn biến không như mình chờ đợi. Đặc biệt, khi toàn bộ thị trường lao dốc thì tình trạng căng margin quyết định việc nhà đầu tư có thể còn bám trụ được thị trường hay không hay "cháy" tài khoản.
Tình trạng "căng" margin sẽ xảy ra khi tổng tài sản nhỏ hơn số tiền ký quỹ tức tỷ lệ ký quỹ nhỏ hơn mức yêu cầu của từng công ty chứng khoán. Khi ở trong tình trạng này, nếu nhà đầu tư không chủ động hạ tỷ lệ vay ký quỹ xuống để đưa trạng thái về ngưỡng an toàn thì các công ty chứng khoán sẽ xử lý theo nhiều cách khác nhau. Thông thường, hệ thống của công ty tự động gửi cảnh báo đến NĐT qua email và tin nhắn, trong đó nêu rõ tình trạng của tài khoản margin. Khi tài khoản rơi vào mức xử lý, hệ thống tiếp tục gửi email, tin nhắn, yêu cầu NĐT có phương án xử lý hoặc liên hệ với công ty để được tư vấn. Nếu NĐT không thực hiện bổ sung tài sản vào tài khoản để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ an toàn, hệ thống sẽ tự động đưa số chứng khoán được dùng làm tài sản bảo đảm vào diện bị bán giải chấp.
Trong những ngày này, thị trường chứng khoán đã giảm rất sâu khiến nhiều tài khoản bị căng margin, thậm chí, đến ngưỡng force sell. Chúng tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm của các nhà đầu tư kỳ cựu khi bị rơi vào trạng thái "căng" margin để nhà đầu tư có thêm lựa chọn:
*Thứ nhất: Khi cổ phiếu giảm mạnh, tuyệt đối không được tiếp tục mua vào bằng margin để bình quân giá xuống. Việc mua bằng margin sẽ khi thị trường giá xuống sẽ tăng cấp độ rủi ro cho tài khoản của nhà đầu tư lên gấp nhiều lần bởi chỉ cần giảm một chút nữa thì tài khoản sẽ bị "call" nghiêm trọng hơn. Bắt đáy, bắt dao rơi thường tỷ lệ thành công rất thấp, đa phần các nhà đầu tư kỳ cựu sẽ mua khi cổ phiếu có xu hướng quay đầu tăng trở lại chứ không mua khi chưa thấy đáy.
*Thứ hai: Phải ngay lập tức hạ tỷ trọng sử dụng margin xuống khi diễn biến giá tăng không như kỳ vọng.
*Thứ ba: Nếu nhiều mã trong danh mục, ưu tiên cơ cấu những mã yếu, không có cơ hội phục hồi. Khi bán bớt những mã yếu, danh mục đồng thời cũng đã giải phóng được một phần áp lực căng margin và chuẩn bị nguồn tiền cho hoạt động tái cơ cấu khi thị trường hồi phục.
*Thứ tư: Mạnh tay cắt lỗ nhiều hơn phần margin call để tài khoản về mức thực sự an toàn. Việc mạnh tay bán nhiều hơn để đưa tài khoản về mức thực sự an toàn sẽ giúp nhà đầu tư không gặp rủi ro force sell liên tục khi cổ phiếu tiếp tục giảm. Bù lại, nếu cổ phiếu tăng, việc mạnh tay cắt margin nhiều hơn sẽ giúp tài khoản nhà đầu tư có thêm "chỗ trống" để tái cơ cấu danh mục khi thị trường hồi phục.
Nhà đầu tư nên tự quyết định việc bán bao nhiêu khi tài khoản bị call margin bởi nếu để CTCK force sell, họ thường bán những cổ phiếu có thanh khoản cao vừa đủ để bù đắp phần thiếu hụt, chứ không bán quá.
*Thứ năm: Không giữ tâm lý gỡ khi thị trường hồi mà nên xem thị trường hồi là cơ hội để cơ cấu danh mục. Đa phần nhà đầu tư có tâm lý gỡ gạc và gỡ gạc bằng chính margin khi thị trường hồi nhẹ. Thậm chí, nhiều người full margin ngay sau khi vừa bị force sell và thị trường vừa hồi phục nhẹ. Việc gỡ gạc rất nguy hiểm bởi nếu nó là bull trap, bạn sẽ phải loay hoay liên tục trong vòng xoáy cơ cấu lại.