Theo đó, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, sự sụt giảm lực lượng lao động, quan hệ thương mại "gặp khó" với EU và cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga - Ukraine là những nhân tố chính tác động tiêu cực lên triển vọng kinh tế nước Anh . Mức sống của người dân Anh hiện giảm sâu nhất trong 6 thập niên.
Thống kê từ Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Anh cho thấy, khoảng 85% người dân đã phải cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm, trong khi tỷ lệ tiết kiệm ngoài lương hưu trong quý III/2022 tăng 1,8% so với mức 1,3% của quý liền trước. Ước tính, 20% trong tổng số 2,5 triệu gia đình thu nhập thấp không thể chi trả hóa đơn thực phẩm và nhiên liệu sưởi ấm trong mùa Đông.
"Nước Anh đang gánh chịu cú sốc năng lượng tồi tệ như ở châu Âu, tỷ lệ lạm phát tồi tệ như ở Mỹ, đồng thời nước này còn đối mặt với vấn đề thiếu nguồn cung lao động sau Brexit và cuộc khủng hoảng y tế", giáo sư Ricardo Reis tại Trường Kinh tế London nhận xét.
Nhà kinh tế học John Philpott, chuyên phân tích thị trường lao động độc lập nhận định: "Suy thoái kinh tế năm 2023 sẽ tồi tệ hơn nhiều so với tác động kinh tế của đại dịch COVID-19".
Các dự báo do Consensus Economics tổng hợp cho thấy, GDP năm 2023 của Anh sẽ giảm 1%, khu vực đồng tiền chung Euro tăng 0,1%, Mỹ tăng 0,25%, toàn cầu tăng 1,5%.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định, trong 2 năm tới, Anh sẽ là nền kinh tế tăng trưởng kém nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G20).