Việc Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam ngày 27/7/2020 đã tạo cơ hội cho các địa phương xây dựng mục tiêu nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.
Tuy nhiên, Đề án ra đời đúng vào bối cảnh diễn ra dịch COVID-19, để hiện thực hóa được việc phát triển kinh tế ban đêm, Việt Nam sẽ phải trải qua một chặng đường "chông gai" với những thách thức phía trước. TTXVN thực hiện chùm bài về Kinh tế ban đêm với những nhìn nhận thực tế và tương lai của mô hình kinh tế mới này.
Bài 1: “Thắp sáng” bằng chính sách khác biệt
Việt Nam có nhiều thuận lợi với những ưu thế để phát triển kinh tế ban đêm, nhất là du lịch. Hiện nay, loại hình kinh tế đêm đang được một số tỉnh, thành trong cả nước xác định là một giải pháp chiến lược và đưa vào trong Quy hoạch tổng thể của địa phương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để “thắp sáng” kinh tế ban đêm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có cơ chế, chính sách khác biệt, phù hợp với phát triển kinh tế ban đêm.
Nhu cầu phát triển lớn
Theo TS. Trần Thị Thu Hương, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện nay, có khá nhiều định nghĩa về kinh tế ban đêm nhưng phổ biến nhất là chỉ tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 17h tối hôm trước cho đến 6h sáng hôm sau, bao gồm: mua sắm tại các chợ đêm, cửa hàng tiện lợi 24/24, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm...
Trên thế giới, loại hình kinh tế này đã được các nước đẩy mạnh và phát triển từ rất sớm, nhất là đối với những nước có thế mạnh về du lịch, để tối đa hóa nguồn thu.
Đánh giá về tiềm năng phát triển ở Việt Nam, TS. Trần Thị Thu Hương cho biết, Việt Nam có nhiều thuận lợi với những ưu thế để phát triển kinh tế ban đêm, nhất là du lịch.
Trong 7 tháng năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 954.600 lượt người, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 90,3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng khách du lịch đến châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ tiếp tục duy trì, khi đại dịch COVID-19 được khống chế.
Cùng với đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể, với tốc độ tăng bình quân 8,22%/năm giai đoạn 2008 - 2019 theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế năm 2020. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều nỗ lực trong thúc đẩy phát triển đô thị hóa. Các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm tới Việt Nam và mong muốn thiết lập/gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam. Việt Nam cũng đang đẩy nhanh tiếp cận các xu hướng, mô hình kinh tế mới/hiện đại như: kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử… Nhu cầu của người dân trở nên linh hoạt hơn và có thể gia tăng đối với kinh tế ban đêm.
Trước những thuận lợi để phát triển, hiện nay, loại hình kinh tế đêm đang được một số tỉnh, thành trong cả nước xác định là một giải pháp chiến lược và đưa vào trong Quy hoạch tổng thể của địa phương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tại Lâm Đồng, tin vui mới nhất là Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận vừa ký ban hành Nghị quyết số 18 ngày 25/7/2022 về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong đó chỉ rõ: nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, mô hình phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Lạt và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Đây có thể coi là bước đột phá mới trong phát triển kinh tế đêm của Đà Lạt nói riêng, du lịch và kinh tế tỉnh Lâm Đồng nói chung, thực sự tạo nên sức hút mới đối với du khách trong và ngoài nước
Cùng với Lâm Đồng, một trong những sản phẩm du lịch đêm tiêu biểu của Quảng Ninh phải kể đến Phố đêm du thuyền. Phố đêm du thuyền được bố trí dọc hai bên cầu cảng của Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.
Thời gian hoạt động của phố đêm bắt đầu từ 17 đến 23h hằng ngày. Hiện, đã có gần 30 tàu du lịch 4 - 5 sao được lựa chọn tham gia hoạt động của phố đêm. Tàu xuất phát tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, trong hành trình 4 tiếng trên vịnh, du khách được ngắm thành phố về đêm với các địa điểm du lịch nổi tiếng, như: vòng quay Mặt Trời, cầu Bãi Cháy, núi Bài Thơ...
Và một điểm nhấn để tạo nên sự khác biệt trong phát triển kinh tế ban đêm của thành phố Cần Thơ với những thành phố khác, đó là: Cần Thơ chú trọng vào việc là khai thác giá trị văn hóa bản địa tạo nên nét khác biệt chỉ có miền Tây mới có như: văn hóa sông nước, đờn ca tài tử, lễ hội...
Riêng Tp. Hồ Chí Minh được đánh giá là có hoạt động về đêm sôi động nhất cả nước với chợ đêm Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ và đặc biệt là phố đi bộ Bùi Viện luôn đông đúc.
Bên cạnh đó, thành phố năng động này cũng đã hình thành các khu phố kinh doanh về đêm tập trung vào ẩm thực, cà-phê, trình diễn nghệ thuật và đang có kế hoạch phát triển phố chuyên kinh doanh ẩm thực đêm một cách bài bản như: phố Nguyễn Thượng Hiền, khu Phan Xích Long, phố người Hoa, khu đô thị Phú Mỹ Hưng… Hà Nội cũng đã hình thành những tuyến phố mang nét đặc trưng như: Tạ Hiện, phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, chợ đêm Đồng Xuân…
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel cho biết, kinh tế ban đêm là một cách hiệu quả trong việc giữ chân khách du lịch khi họ đến Việt Nam, điều này không chỉ tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương mà đóng góp đáng kể ngân sách cho Nhà nước.
Theo ông Kỳ, mặc dù, thời gian qua, nhiều địa phương đã quan tâm đến xây dựng, phát triển các phố đi bộ ban đêm, một phần của kinh tế ban đêm. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch hợp lý nên hoạt động của các mô hình này chưa hiệu quả. Tại nhiều địa phương, những chương trình giải trí, văn hóa vào ban đêm cũng rất ít nên không hấp dẫn du khách.
Thách thức phía trước
Du khách trong nước và quốc tế thưởng thức các hoạt động về đêm tại Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN
Mặc dù, Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã được phê duyệt từ tháng 7/2000, nhưng thực tế vẫn tồn tại không ít vướng mắc. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: "Chúng ta chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để thúc đẩy khu vực này. Do đó, các địa phương cần ban hành quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lý để cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quản lý; quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm".
Còn theo TS. Trần Thị Thu Hương, trong khi các điểm đến trên thế giới thu về nhiều tỷ USD từ việc phát triển kinh tế ban đêm, thì hoạt động này ở Việt Nam còn khá manh mún, nhỏ lẻ; nhận thức và tư duy về phát triển kinh tế ban đêm còn chưa thống nhất.
Đặc biệt là tư duy văn hóa và cách quản lý truyền thống về những vấn đề tiêu cực phát sinh từ hoạt động kinh tế ban đêm có thể chi phối quá mức đối với tiếp cận chính sách về kinh tế ban đêm. Hệ quả là vẫn còn những rào cản, quy định mang tính cấm đoán hoặc gây cản trở loại hình kinh doanh này phát triển.
Việt Nam cũng chưa có chính sách hỗ trợ tài chính cho các hoạt động kinh tế ban đêm. Cơ chế chính sách thuế, phí hiện nay đang được áp dụng bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế và không có sự phân biệt giữa hoạt động kinh tế ban đêm với kinh tế ban ngày. Các ưu đãi về thuế đều chỉ áp dụng theo 2 tiêu chí, đó là: ưu đãi theo địa bàn (khó khăn và đặc biệt khó khăn) và theo ngành, lĩnh vực.
Việc xây dựng các chương trình/kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm hay quy hoạch khu vực riêng phát triển kinh tế ban đêm cũng chưa được chú trọng ở nhiều địa phương. Do vậy, khả năng khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, nhà đầu tư vào phát triển kinh tế ban đêm còn hạn chế.
Ngay cả ở các địa phương đã xây dựng và ban hành Đề án/kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm như: Hà Nội, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình... cũng chỉ dừng lại ở việc đưa ra giải pháp về định hướng phát triển một số sản phẩm đêm, quy hoạch không gian phát triển các sản phẩm đêm và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan ở những khu vực phát triển kinh tế ban đêm.
Phần lớn các địa phương chưa có cơ chế, chính sách tài chính hấp dẫn để khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình... tham gia cung cấp các dịch vụ ban đêm. Hiện nay, các chính sách hỗ trợ của địa phương chủ yếu là: đẩy mạnh việc triển khai các dự án cải tạo, chỉnh trang khu vực quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm; triển khai hệ thống chiếu sáng đặc sắc hơn; hỗ trợ các hộ kinh doanh tại phố đi bộ đêm tiếp cận các quầy/gian hàng không thu tiền sử dụng (trong một thời gian nhất định) hoặc miễn các loại phí, lệ phí
Hoàn thiện khung pháp lý
Nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN
Để “thắp sáng” kinh tế ban đêm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có cơ chế, chính sách khác biệt, phù hợp với kinh tế ban đêm chứ không phải chỉ là những luật lệ có sẵn liên quan đến các vấn đề đất đai, nhân lực, công nghệ… như đối với kinh tế thông thường. Khuyến khích cho người đi tiên phong vì thời gian đầu, mức độ quan tâm của du khách, người tiêu dùng có thể còn thấp, chưa tạo được doanh thu như kỳ vọng.
Trong số các nhóm giải pháp chủ động phát triển kinh tế ban đêm, nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về lợi ích và rủi ro phát triển kinh tế ban đêm được Chính phủ đặt ra hàng đầu nhằm đánh giá đúng về phạm vi, vai trò của bộ phận kinh tế này.
Bên cạnh đó, giảm dần, tiến tới xóa bỏ định kiến về những tiêu cực của kinh tế ban đêm, định kiến về các loại hình, hoạt động và các điểm vui chơi giải trí về đêm. Tiếp đến là tiếp tục hoàn thiện chính sách, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế ban đêm và kiểm soát rủi ro.
Cùng với đó, Chính phủ cần phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động kinh tế ban đêm, trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quản lý và phát triển kinh tế ban đêm; đồng thời, nghiên cứu các giải pháp sử dụng quy hoạch để quản lý các hoạt động kinh tế ban đêm như chủ động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế ban đêm vào trong nội dung quy hoạch tỉnh; quy hoạch các khu vực phát triển kinh tế ban đêm cần gắn với phát triển cơ sở hạ tầng, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, hạn chế tác động của ô nhiễm tiếng ồn, rác thải sinh hoạt.
Theo ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng giám đốc Công ty lữ hành Fiditour - Vietluxtour, nhu cầu sản phẩm du lịch về đêm rất lớn. Muốn du lịch phát triển để giữ chân khách lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và có nơi để du khách khám phá thì sản phẩm du lịch về đêm là cần thiết.
“Hiện, nhiều thành phố du lịch lớn ở Thái Lan, Malaysia, Singapore... sản phẩm du lịch về đêm đã phát triển từ nhiều năm qua và du khách Việt rất thích khám phá. Chúng ta có thể học hỏi mô hình phát triển kinh tế đêm của nước bạn nhưng phải có nét đặc trưng riêng của bản địa, điểm đến,” ông An cho biết.
Ông Lê Ngọc Bảy, Cục trưởng Cục Thống kê Cần Thơ cho biết, phát triển kinh tế ban đêm của thành phố Cần Thơ tạo sức hút lôi kéo, hỗ trợ cho kinh tế - xã hội của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển (đặc biệt là các địa phương vệ tinh, các địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm…), góp phần phát triển thành phố Cần Thơ với vai trò trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, thúc đẩy kinh tế đêm có thể là giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm tạo công ăn việc làm mới cho người lao động đồng thời góp phần duy trì ổn định xã hội.
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, khi đã coi kinh tế ban đêm là khu vực kinh tế thì cũng phải có đầu tư cơ sở hạ tầng, sản phẩm phù hợp và đảm bảo an toàn; trong đó quan trọng nhất là an ninh, giao thông, y tế, phòng cháy chữa cháy...; có thống kê, báo cáo minh bạch; đồng thời, đưa kinh tế đêm vào tính quy mô và đánh giá bản chất của nền kinh tế.
"Mặc dù quá trình phát triển nền kinh tế ban đêm của Việt Nam sẽ còn gặp phải nhiều thách thức, song cũng không thể phủ nhận rằng, nếu thành công, những đóng góp của kinh tế ban đêm cho quốc gia sẽ là vô cùng to lớn", TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Với quyết tâm làm bật dậy kinh tế ban đêm, trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ… đều cho biết sẽ đẩy mạnh triển khai đề án "Phát triển kinh tế đêm" trong lĩnh vực du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch, kéo dài ngày lưu trú, mức chi tiêu trung bình và sự hài lòng của du khách.
“Phát triển kinh tế ban đêm được kỳ vọng có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, khai thác tiềm năng hoạt động du lịch, dịch vụ, quảng bá văn hóa và nền ẩm thực Việt Nam ra thế giới”, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định.
Bài cuối: Tạo đòn bẩy cho du lịch phát triển