Theo Giáo sư Vũ Minh Khương, Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học quốc gia Singapore, Việt Nam là quốc gia hàng đầu trong nắm bắt toàn cầu hóa. Điều này được thể hiện thông qua tỷ trọng của Việt Nam trong tổng xuất khẩu và tổng nhập khẩu của ASEAN tăng hơn 10 điểm phần trăm trong vòng 12 năm qua (2005 – 2017). Mức gắn kết thương mại của Việt Nam với các nước ngoài ASEAN tăng nhanh hơn so với mức gắn kết nội kết ASEAN.
So với toàn khối ASEAN, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng rất nhanh trong 12 năm (từ 2005 -2017). Quan hệ thương mại với Hoa Kỳ tăng nhanh hơn về xuất khẩu so với nhập khẩu. Thặng dư thương mại với Hoa Kỳ cũng tăng nhanh chóng.
Xuất khẩu của chúng ta với Trung Quốc ngang ngửa với thế giới. Đây cũng là trường lý tưởng với Việt Nam trong thời gian tới.
Với EU, Việt Nam tăng khá nhanh về xuất khẩu, nhưng nhập khẩu còn hạn chế.
Với Nhật Bản chúng ta xuất khẩu và nhập khẩu cân bằng, nhưng chưa tạo ra sự bứt phá đối với thị trường rất tiềm năng này.
Bên cạnh những thế mạnh cùng thành quả đã đạt được thì theo ông Vũ Minh Khương, mô hình kinh tế và động lực tăng trưởng của Việt Nam còn phụ thuộc rất sâu vào thương mại quốc tế. Chính vì vậy, đứng trước sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ thương mại mà nhiều quốc gia đang áp dụng sẽ đem lại cả cơ hội cùng những thách thức không nhỏ cho Việt Nam.
Chuyên gia này cho hay, những lợi thế về giá đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ mà Trung Quốc phải chịu thuế, hơn nữa Việt Nam cũng có thể thu hút được sự quan tâm cả về chiến thuật và chiến lược từ các tập đoàn đa quốc gia.
Tuy vậy, theo ông, việc mải mê với cơ hội ngắn hạn và tư duy bảo hộ có thể làm tổn hại đến tầm nhìn lâu dài và cách ứng đáp chiến lược với các thách thức và cơ hội mà tình thế đổi thay mang lại.
Ông Vũ Minh Khương cũng đã chỉ ra rằng, Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn cải cách một và đang trải qua giai đoạn cải cách hai (đổi mới). Nếu trong đổi mới một, chúng ta nặng về tư duy, thay đổi nhận thức cũ thì trong đổi mới hai này là trỗi dậy về tầm nhìn để nhìn thấy Việt Nam sẽ đi đến đâu trong tương lai. Đổi mới một nặng về cơ chế, cởi trói, còn đổi mới hai là thiết kế nền tảng thể chế trong tương lai.
"Đổi mới một chúng ta nặng về tích cực hội nhập, hội nhập càng cao, càng mạnh càng tốt thì đổi mới hai phải coi trọng và tạo nên thế xứng đáng của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế", ông Vũ Minh Khương nói.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh đến yếu tố lệ thuộc của thương mại Việt Nam hiện nay. Theo đó, Việt Nam từ chỗ là một quốc gia gần như đóng cửa mà bây giờ mức độ hội nhập cao nhất thế giới, xuất khẩu tăng trưởng nhanh. Nhưng chúng ta gần như đang hoàn toàn dựa vào các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…Đồng thời chúng ta phải dựa vào một số sản phẩm chiến lược ví dụ như điện tử. Điều này cũng đặt Việt Nam vào một sân chơi đầy mạo hiểm. Bởi những sản phẩm này khá cao. Nếu đi sâu vào những sản phẩm này thì chúng ta có thể đi được rất xa, nhưng nếu tổn thương thì cũng rất nặng nề. Cho nên, Việt Nam cần phải rất chủ động và nắm bắt những thời cơ, thách thức hiện có mà thế giới đã và đang đặt ra./,