Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị trực tuyến xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025, năm 2021 với các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.
Theo Bộ KH&ĐT, trong 7 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội 14 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội thấp hơn so với kế hoạch đề ra.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng ước giảm 0,68%, đặc biệt vùng kinh tế trọng điểm ước giảm 3,22% - đây cũng là vùng duy nhất GRDP 6 tháng giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Thêm vào đó, 11/14 địa phương có tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, 3 địa phương giảm (trên cả nước có 12 địa phương giảm).
6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ có tăng trưởng trong đó có Thanh Hóa xếp vị trí cao nhất với 3,7%; Quảng Trị 4,17%. Ngoài ra, trong số 8 địa phương vùng Nam Trung bộ, 5 tỉnh có tăng trưởng và 3 giảm so cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, TP. Đà Nẵng giảm 3,61%; tỉnh Quảng Nam và Khánh Hòa giảm nhiều nhất cả nước lần lượt là 11,51% và 12,02%. Đây cũng là 3 khu vực có tỷ trọng công nghiệp, du lịch, dịch vụ cao trong vùng.
Đáng chú ý, cuối tháng 7/2020, TP Đà Nẵng đã phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ hai. Từ ngày 28/7, Thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng. Dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2020.
Đến cuối năm 2020, dự kiến Đà Nẵng có các chỉ tiêu không đạt như GRDP, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, tổng vốn đầu tư phát triển.
Tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 của TP Đà Nẵng (tính đến 15/8) đạt 3.718 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch Trung ương giao và 30,3% thành phố giao.
Trước đó, theo báo cáo của Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng phối hợp với Cục Thống kê thành phố, GRDP 6 tháng đầu năm 2020 ước tính sụt giảm mức 3,61% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là lần đầu tiên Đà Nẵng tăng trưởng âm, kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1/1997).
Theo đó, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 như thời gian vừa qua đã và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt trong đời sống xã hội của người dân thành phố.
Làn sóng dịch thứ hai đã khiến bức tranh kinh tế của Đà Nẵng trở nên tệ hơn bao giờ hết. Ước tính số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể trong những tháng cuối năm 2020 sẽ còn tiếp tục tăng.
Bên cạnh đó, dự báo tiêu dùng sẽ giảm sâu trong quý 3 năm 2020 và sẽ tác động đến tăng trưởng của cả năm 2020. Số lượng doanh nghiệp đăng ký mới dự kiến sẽ tiếp tục giảm so với cùng kỳ. Công tác thu hút vốn đầu tư trong nước và FDI trong quý 3, quý 4 được nhận định rằng sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong tương lai.