Tương tự như những gì đã xảy ra trong nền kinh tế thời kỳ chiến tranh, nhiều loại hình sản phẩm và dịch vụ, bao gồm các hàng hóa trung gian và các sản phẩm cuối cùng, bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ và thiếu hụt nguồn cung thời gian vừa qua.
Và hầu hết mọi người đều vô cùng bất ngờ khi nhìn vào hậu quả của những tắc nghẽn này.
Thực tế, trong quý đầu năm 2021, các chuyên gia đồng loạt dự báo rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh chóng. Hơn nữa, họ không hề đưa ra các cảnh báo nào về nguồn cung sẽ không bắt kịp sự phục hồi của thị trường.
Giới kinh tế học vĩ mô có uy tín cũng cảnh báo rằng sự kết hợp của chính sách tiền tệ có tính hỗ trợ phát triển kinh tế cao, nguồn tiền tiết kiệm hộ gia đình tăng cao, nhu cầu bị dồn nén và chi tiêu tài khóa lớn làm tăng đáng kể nguy cơ lạm phát.
Những dự báo này ngụ ý rằng sẽ có sự gia tăng tổng cầu, được thúc đẩy bởi "bức tường" thanh khoản và giá tài sản cao ngất ngưởng, có thể vượt xa nguồn cung. Song, đến nay, không ai có thể dự đoán được sự mất cân bằng này sẽ diễn ra trong bao lâu. Thậm chí, hầu hết trong số họ đều cho rằng lạm phát nói riêng và gián đoạn nguồn cung nói chung sẽ chỉ là "nhất thời".
Giới quan sát thì tin đây chỉ là sự thiếu hụt trong ngắn hạn. Nhưng những người tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu lại dự đoán rằng tình trạng thiếu hụt và mất cân bằng giữa cung và cầu sẽ còn kéo dài đến năm 2022, hay có thể lâu hơn thế.
Trong những thời điểm "cột mốc" quan trọng của nền kinh tế, tăng trưởng toàn cầu sẽ thường bị tác động bởi nguồn cung. Điều này ngược lại hoàn toàn với những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Ngay cả khi nhu cầu có thể tăng vọt ở mức cao hơn nhiều so với những gì giới chuyên gia dự báo hồi giữa đại dịch, thì những dự báo ấy vẫn có thể coi là cơ sở cho những ước tính tăng trưởng giai đoạn hậu COVID-19.
Như vậy, việc tìm lời giải cho 2 câu hỏi cơ bản về phía nguồn cung trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Thứ nhất, đâu những hạn chế cơ bản của nguồn cung hiện nay, và liệu chúng vẫn sẽ tồn tại ngay cả sau khi các điểm nghẽn do đại dịch gây ra được giải tỏa?
Thứ hai, cách thức tổ chức và hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu có gây ra vấn đề gì đến quá trình cung ứng hay không?
Nhiều người có thể trả lời rằng đại dịch COVID-19 đã gây ra những thay đổi gần như vĩnh viễn đối với một số nhân tố trong chuỗi cung ứng. Trước hết, nhiều lao động đã rời bỏ thị trường, hoặc trì hoãn việc quay lại với công việc, bất chấp chính phủ các nước đã dừng đưa ra những chương trình hỗ trợ trong đại dịch.
Nhóm lao động này chủ yếu là những người làm việc ở điều kiện căng thẳng hoặc nguy hiểm, bao gồm nhân viên y tế, hay những công nhân vận chuyển hàng hóa từng bị mắc kẹt trên tàu hàng tháng trời.
Bởi vậy, ngay cả khi họ chấp nhận quay lại làm việc, thì họ có thể sẽ yêu cầu những đãi ngộ tốt hơn, điều kiện làm việc phải được cải thiện hơn. Tương tự như vậy, nhiều lao động cũng không muốn quay lại văn phòng, vì họ đã quen với làm việc từ xa. Tất cả những xu hướng này đã khiến nguồn cung thay đổi trong nhiều phân khúc của thị trường lao động, với những tác động không ai biết trước.
Tuy nhiên, hiệu ứng nguồn cung lao động cũng chỉ là một phần của vấn đề. Chúng ta đều biết rằng, nhu cầu đang tăng mạnh. Vậy, tại sao các chuỗi cung ứng toàn cầu lại không phản ứng kịp?
Một lý do đó là hiện tượng "tiêu dùng trả thù" thực chất xuất hiện trước cả khi đại dịch thực sự kết thúc. Vì vậy, khi nhu cầu tăng lên, thì đại dịch vẫn tồn tại, các cảng và xưởng sản xuất vẫn ùn ứ, dẫn đến khả năng đáp ứng nguồn cung đã giảm từ trước.
Một vấn đề khác nữa là nhu cầu dường như đã tăng vượt quá khả năng hấp thụ tối đa của hệ thống. Việc mở rộng hệ thống sẽ đòi hỏi đầu tư, và quan trọng hơn là thời gian. Ngay cả khi mạng lưới cung ứng toàn cầu có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, thì nó cũng không thể xử lý các cú sốc hoặc nhiễu loạn lớn.
Bên cạnh đó, việc phi tập trung hóa dẫn đến tình trạng thiếu đầu tư vào khả năng phục hồi. Bởi thực chất, lợi nhuận tư nhân thu được từ các khoản đầu tư này nhỏ hơn nhiều so với lợi ích của toàn hệ thống.
Có thể ví mạng lưới cung ứng toàn cầu như thời tiết, bởi tính phức tạp tương tự nhau. Nhưng trong khi với thời tiết, chúng ta có thể đưa ra các dự báo tương đối chính xác, thì với chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng ta chỉ có thể đưa ra những dự báo về xu hướng chung nhất.
Chẳng hạn như nhu cầu tăng, thì cũng chẳng có mô hình nào cho phép chúng ta dự đoán chính xác rằng xu hướng này sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố cụ thể nào trong chuỗi cung ứng. Hay như chẳng có cách nào để biết chính xác sắp tới, cảng nào sẽ xảy ra các "nút thắt cổ chai", chứ chưa nói đến việc nên điều chỉnh hành vi của những người tham gia thị trường thế nào.
Bên cạnh việc các dự báo không mang tính thực tiễn, thì hệ thống mạng lưới cũng không có khả năng thích ứng kịp thời hay hiệu quả. Về cơ bản, hệ thống này được ví như một người cận thị không đeo kính vậy. Chúng ta chỉ phát hiện ra các tắc nghẽn khi chúng ở ngay trước mắt.
Hậu quả như chúng ta đã thấy, không ai có cách giải quyết những phản ứng về chậm trễ, thiếu hụt, tồn đọng và tắc nghẽn.
Rõ ràng là chúng ta cần các mô hình tốt hơn để dự đoán chuỗi cung ứng sẽ phát triển như thế nào, bao gồm các phản ứng đối với những cú sốc có khả năng xảy ra. Những dự báo này cần được công bố rộng rãi để chính phủ và doanh nghiệp có thể nhận thấy, điều chỉnh hoạt động để giảm thiểu thiệt hại.
Trí tuệ nhân tạo có thể sẽ là chìa khóa thành công. Đây là lĩnh vực mà có thể ứng dụng công nghệ này một cách hiệu quả. Ngoài ra, hợp tác quốc tế cũng sẽ cần thiết để đạt được mục tiêu này. Các quốc gia nên chia sẻ dữ liệu thời gian thực được tạo ra bởi các mạng lưới trong chuỗi cung ứng.
Thiệt hại do một cơn bão hoặc sóng thần gây ra sẽ được ngăn chặn đáng kể, nếu dự báo chính xác được từ trước để mọi người lập kế hoạch ứng phó. Việc ngăn chặn thiệt hại do gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra cũng cần áp dụng những nguyên tắc tương tự.
Michael Spence là nhà kinh tế học Mỹ và là người nhận giải Nobel Kinh tế năm 2001. Ông cũng là trưởng khoa của Trường kinh doanh Graduate Stanford và hiện nay là chủ tịch Ủy ban về tăng trưởng và phát triển.
Michael Spence tham gia giảng dạy tại trường kinh doanh Stern thuộc Đại học New York từ ngày 1/9/2010. Ông hiện là thành viên cao cấp tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford. Ông cũng là tác giả của cuốn The Next Convergence: The Future of Economic Growth in a Multispeed World.