Trong thời gian qua, để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp (DN) và người dân vượt qua dịch Covid-19, Chính phủ đã "tung" ra các gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ.
"Máy trợ thở" 2,5% GDP
Trong đó, gói hỗ trợ từ chính sách tiền tệ và tín dụng được các tổ chức tín dụng triển khai như giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi giảm. Tính toán cho thấy, với khoảng 300.000 tỷ dư nợ với lãi suất giảm từ 1-2,5%, cùng giảm phí, thì hệ thống ngân hàng đã chia sẻ với doanh nghiệp lên tới 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là khoản tiền trích ra từ lợi nhuận của ngân hàng, không phải từ nguồn vốn ngân sách.
Chính phủ “tung” hỗ trợ giúp doanh nghiệp và người dân “vượt bão” Covid-19
Với gói tài khóa, Bộ Tài Chính đã đưa ra chính sách giảm, giãn tiền thuế, tiền thuê đất với gói hỗ trợ lên đến 180.000 tỷ. Số tiền này cuối năm sẽ thu lại, nhưng Nhà nước phải hy sinh phần lãi gửi ngân hàng của số tiền 180.000 tỷ này, chưa kể tiền phạt chậm nộp.
Ngoài ra, việc giảm hàng loạt các loại thuế như: thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 20% xuống 15% – 17% tùy quy mô doanh nghiệp cũng khiến ngân sách thất thu 15.600 tỷ đồng và 46.000 tỷ đồng từ giảm thuế nhập khẩu một số ngành hàng quan trọng phục vụ việc chống dịch. Cùng với đó là ngân sách chi cho gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ giảm giá điện 11.000 tỷ đồng.
Như vậy, ngân sách Nhà nước hy sinh khoảng 2,5% GDP "tiền tươi thóc thật" để đồng hành cùng DN. Đây là gói hỗ trợ lớn nhất từ trước tới nay và cũng được xem là liều thuốc "tăng lực" giúp DN giảm bớt gánh nặng, khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đặc biệt, theo đánh giá của TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng viện Quản lý Kinh tế Trung Ương, việc Bộ Tài chính quyết định hoãn, giãn tiền đóng nhiều loại thuế, giảm lãi suất, giảm tiền điện thật sự có ý nghĩa với DN vào thời điểm hiện tại. Bởi, số DN bị phá sản hiện nay vẫn là số nhỏ, trong khi đó vẫn có rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang tồn tại và cố gắng vượt qua cơn khủng hoảng. Việc tiếp cận được với những ưu đãi này sẽ giúp DN có thêm nguồn vốn để trang trải và đầu tư thêm vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhanh hay chậm quan trọng là thiện chí?
Được xem là "máy trợ thở" của doanh nghiệp ở thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, sau 1 thời gian triển khai, các gói hỗ trợ của Chính phủ vẫn đang nhận được ý kiến trái chiều. Trong đó, có những ý kiến hoài nghi về hiệu quả của các gói hỗ trợ này khi chính sách "chậm" đến tay DN và người dân.
Việc triển khai gói hỗ trợ giãn thuế 180.000 đồng là một ví dụ. Số liệu thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, sau hơn hai tuần có hiệu lực, ngành thuế mới tiếp nhận một phần nhỏ hồ sơ của doanh nghiệp xin gia hạn thuế. Cụ thể, tính đến chiều 20/4 có 24.260 hồ sơ đề nghị gia hạn thuế, tiền thuê đất từ doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh. Hiện còn hàng trăm nghìn doanh nghiệp và cá nhân, hộ kinh doanh chưa đề xuất gia hạn thuế, tiền thuê đất.
Trao đổi với Dân Việt, Tổng giám đốc Công ty CP XNK nông sản thực phẩm Việt Nam Trần Thị Thu Hằng cho biết, kể từ tháng 2 trở lại đây, doanh thu của doanh nghiệp gần như bằng 0 bởi doanh nghiệp khách hàng của doanh nghiệp này chính là các trường học, doanh nghiệp…Vì vậy, khi nghe về các gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp và người lao động, ai nấy cũng đều vui mừng.
Bà Hằng nhớ lại, trước đây vào thời điểm năm 2010 – 2011, Chính phủ cũng đã có chính sách gia hạn thuế đối với doanh nghiệp và vào thời điểm đó, chính sách này đã giảm rất nhiều gánh nặng cho doanh nghiệp, có cơ hội để nhanh chóng phục hồi. Tại thời điểm này cũng vậy, đối với doanh nghiệp những gói hỗ trợ về tài chính hay chính sách đều rất quý. Tuy nhiên, đến thời điểm này, doanh nghiệp chưa tiếp cận được gói hỗ trợ nào dù đã làm hồ sơ.
"Chúng tôi nhận được văn bản hướng dẫn để làm thủ tục cần thiết để có thể được hỗ trợ từ gói an sinh và gói hỗ trợ tài khóa vào ngày 10/4. Doanh nghiệp và người lao động cũng đã làm danh sách gửi lên nhưng vẫn chưa được giải quyết vì còn phải chờ văn bản hướng dẫn từ Sở Lao động Thương binh Xã hội. Rất mong chính sách sớm đi vào thực tiễn để cho doanh nghiệp và người lao động giảm bớt khó khăn", bà Hằng nói.
Doanh nghiệp nông sản “ngóng” chính sách hỗ trợ từ Chính phủ
Còn theo đại diện của một doanh nghiệp sở hữu hơn 300 cửa hàng và khoảng 15.000 nhân viên trên cả nước, dịch Covid- 19 đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp. Toàn bộ cửa hàng thời gian qua đã phải đóng cửa, ảnh hưởng đến doanh thu và thu nhập của người lao động.
Trong bối cảnh ấy, khoản vay 200 tỷ của doanh nghiệp tại một ngân hàng thương mại quốc doanh ngay lập tức được giãn nợ và giảm 2 điểm% lãi suất cho khoản vay này. Đây chính là "cú hích" giúp doanh nghiệp tồn tại và bật dậy trong và sau dịch Covid-19.
Tuy nhiên, ngoài chính sách hỗ trợ về tín dụng, doanh nghiệp cũng chưa tiếp cận với các gói hỗ trợ còn lại của Chính phủ. "Chúng tôi đã cử người liên hệ ngay đến các cơ quan chức năng để được hỗ trợ nhưng chưa tiếp cận được. Cách đây 2 ngày, chúng tôi mới nhận được công văn hướng dẫn của ngành thuế và đang tiến hành làm tờ khai xin giãn thuế", đại diện DN nói.
Tương tự, đại diện công ty vận tải tại Hà Nội chia sẻ, doanh nghiệp đang làm các giấy tờ, thủ tục liên quan nộp lên của cơ quan quản lý để được hỗ trợ. "Về cơ bản chủ trương của Chính phủ khi đưa ra các gói hỗ trợ cho DN và người lao động đang khó khăn trong thời điểm hiện tại là rất cần thiết. Tuy nhiên, mong muốn của DN là sớm nhận được sự hỗ trợ để DN có thể duy trì và phục hồi kinh doanh sau dịch. Thời gian đợi quá lâu sẽ khiến DN càng thêm khó khăn", vị này cho hay.
Nhiều chuỗi nhà hàng “thất thu” vì Covid-19 (ảnh minh họa internet)
Thực tế, trong thời gian qua nhiều DN nhận xét rằng người đứng đầu Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời để hỗ trợ DN hay người dân. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện vẫn quá chậm. Thậm chí, đại diện một số doanh nghiệp còn ví von, việc hỗ trợ DN lúc này cũng như cứu hỏa. Chính phủ đã ra quyết sách giống như đã có nguồn nước, nhưng nguồn nước này vẫn còn ở xa chưa đến được ngay đám cháy nên không thể dập tắt lửa. Nếu cứ kéo dài, DN đều kiệt quệ, phá sản thì có hỗ trợ cũng bằng không.
Trước thực tế này, một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia thừa nhận, các gói hỗ trợ giãn thuế 180.000 tỷ hay gói hỗ trợ an sinh chỉ ban hành cách đây 2 tuần, nên chưa thể đánh giá ngay có đi vào cuộc sống hay không, dù cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt nhóm nhỏ và siêu nhỏ, rất kỳ vọng.
Tuy nhiên, để chính sách nhanh đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả thì cần phải có sự vào cuộc của tất cả các bên từ người dân, doanh nghiệp, cơ quan chức năng… chứ không chỉ dựa vào sự nỗ lực của riêng một bên. Bởi trên thực tế, có không ít doanh nghiệp không chịu làm gì nhưng lại "than thở" mình chưa được hỗ trợ, chính sách hỗ trợ "chậm" đến tay doanh nghiệp.
Lấy dẫn chứng từ việc tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi trong thời gian qua, vị thành viên này nói: Hiện nay, các gói tín dụng ưu đãi đã giải ngân khá là tốt nhưng đâu đó các doanh nghiệp vẫn kêu không tiếp cận được. Là bởi vì ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh được mình chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng doanh nghiệp không làm. Rõ ràng, trong những trường hợp này không có cơ sở để nhận được hỗ trợ. Quan trọng nhất vẫn là thiện chí của tất cả các bên, nếu không có thiện chí thì chính sách có "nhanh cũng thành chậm".
LTS: Việt Nam đã bước đầu có những kết quả khả quan trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 bằng những giải pháp đúng đắn và quyết liệt mà Chính phủ đã đề ra. Với kết quả này, hiện các ngành nghề kinh tế cũng đang bước vào giai đoạn hồi phục kinh tế thời hậu Covid-19 sau khi bị dịch bệnh này giáng những đòn nặng nề. Chính phủ cũng đã kịp thời đưa ra những gói hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, ngành nghề nhắm thúc đẩy phát triển kinh tế thời hậu Covid-19. Tuy nhiên, muốn nền kinh tế "bật như lò xo" sau dịch, muốn phát triển kinh tế bằng mọi giá thì phải hành động quyết liệt và khôn ngoan. Điều này sẽ là thách thức không nhỏ cho những tướng lĩnh đang cầm quân trên mặt trận kinh tế. Ngoài ra, để "chữa trị" cho một nền kinh tế bị tổn thương, ngoài những liều thuốc đặc hiệu, Chính phủ cũng cần thêm sự quyết liệt trong việc phòng chống tham nhũng, đặc biệt là lợi dụng chính sách hỗ trợ để ăn chặn, làm xói mòn lòng tin của nhân dân... Loạt bài "Liều thuốc đặc hiệu cho kinh tế thời hậu Covid-19?" sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn khá toàn diện về những hậu quả nặng nề doanh nghiệp Việt Nam gánh chịu do Covid-19 gây ra, họ đã chuẩn bị những gì sau thời gian "ngủ đông" vừa qua, hiệu quả từ những gói hỗ trợ của Chính phủ trong việc hồi phục lại nền kinh tế, đề xuất của các chuyên gia về những "liệu thuốc" đặc hiệu - giải pháp cấp bách, cần thiết ngay lúc này. Xin mời bạn đọc đón xem trên Dân Việt. |