Lãi suất là biến số kinh tế nhạy cảm, sự thay đổi của lãi suất sẽ tác động làm thay đổi hành vi sản xuất và tiêu dùng của xã hội. Về phương diện lý thuyết cũng như thực tiễn các nước đã chứng minh, sự thay đổi lãi suất thực sẽ có tác động nhạy cảm đến sản lượng và giá cả. Vì vậy, các ngân hàng trung ương rất coi trọng việc điều tiết lãi suất.
Lãi suất là chi phí phải trả của người đi vay cho việc sử dụng nguồn vốn của người cho vay. Lãi suất tăng làm tăng chi phí đi vay đối với ngân hàng. Chi phí này được chuyển cho các cổ đông vì nó sẽ hạ thấp lợi nhuận mà ngân hàng dùng để thanh toán cổ tức. Vì thế các nhà đầu tư và nhà kinh tế đều coi lãi suất thấp hơn là chất xúc tác cho tăng trưởng. Khi đó người tiêu dùng cũng sẽ chi tiêu nhiều hơn vì họ dễ ra quyết định vay tiền hơn. Còn các doanh nghiệp sẽ được lợi nhuận nhiều hơn do lãi suất vay vốn giảm, do đó tăng tiềm năng thu nhập trong tương lai của họ.
Nghiên cứu của Leon, N.K. (2008) đã khẳng định rằng khi lãi suất ngân hàng gia tăng thì giá chứng khoán sẽ giảm trong ngắn hạn hay Aurangzeb, K.A. (2012) cũng xác định các yếu tố tác động đến giá cổ phiếu và thấy rằng lãi suất có mối tương quan nghịch với giá chứng khoán. Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra những ngoại lệ về mối liên hệ giữa lãi suất và giá chứng khoán trên các thị trường tài chính đã phát triển, thị trường mới nổi và thị trường chưa phát triển là không có sự thống nhất, thậm chí còn trái ngược nhau.
Thực tế, khi lãi suất tăng nhiều người vẫn chọn đầu tư vào một số phân khúc họ cho là hấp dẫn như: cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu có cổ tức cao hay có tính thanh khoản cao,...và cũng có rất nhiều lý do hợp lý để cổ phiếu tăng giá ngay cả khi lãi suất cao hơn.
David Kostin - chuyên gia của Goldman Sachs nhận xét: “Lịch sử cho thấy rằng các quỹ đầu tư cổ phần thường có dòng vốn chảy vào khi lãi suất thực đang tăng lên. Bối cảnh thuận lợi nhất cho quỹ đầu tư này trong 10 năm qua là khi cả lãi suất thực tế và lạm phát hòa vốn đều tăng. Động lực này thường xảy ra khi kỳ vọng tăng trưởng được cải thiện." (theo Yahoo Finance)
Bên cạnh đó, Kostin cũng dự báo dòng vốn cổ phần khổng lồ từ các hộ gia đình và doanh nghiệp, cả hai đều đang tích trữ tiền mặt trong những giai đoạn đáng lo ngại nhất của đại dịch corona.
Brian Belski - chiến lược gia đầu tư của BMO cũng cho rằng: “Lãi suất tăng có thể có nghĩa là thị trường trái phiếu dự đoán chính xác tăng trưởng kinh tế trong tương lai và đi trước lạm phát - điều này thường có lợi cho giá cổ phiếu. Khi nền kinh tế đang phục hồi hoặc phát triển, thu nhập đang tăng lên, các nguyên tắc cơ bản cũng được cải thiện, tất nhiên, lãi suất sẽ tăng lên.”
Có thể thấy, lãi suất tăng không phải là nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu giảm hoặc ngược lại. Lãi suất tăng có thể là tín hiệu tốt cho sự tăng trưởng nền kinh tế. Vì vậy nhà đầu tư nên lạc quan hơn với các quyết định đầu tư bằng cách nắm bắt tình hình tài chính - kinh tế, theo dõi biến động của thị trường chứng khoán để đầu tư thông minh cũng như bảo vệ khỏi tổn thất.