Nguyên nhân chính được FED đưa ra trước việc tung gói hỗ trợ nền kinh tế vào đêm 15-3 (giờ Việt Nam) là do sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 ở châu Âu và Mỹ, cũng như thị trường tài chính Mỹ có dấu hiệu căng thẳng, tác động tiêu cực đến kinh tế và thị trường tài chính Mỹ cũng như toàn cầu.
Gói hỗ trợ của Mỹ gồm 4 biện pháp chính: tiếp tục cắt giảm lãi suất cơ bản về mức 0-0,25%; áp dụng chương trình nới lỏng định lượng (QE) lên tới 700 tỉ USD thông qua việc mua trái phiếu Chính phủ Mỹ và chứng khoán được thế chấp bằng nhà ở…
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo - Nghiên cứu Ngân hàng BIDV đã có báo cáo sơ bộ đánh giá tác động từ việc Mỹ tung gói hỗ trợ kinh tế đối với kinh tế Việt Nam.
Theo nhóm nghiên cứu, việc FED và Ngân hàng Trung ương các nước liên tiếp hạ lãi suất cơ bản thời gian qua sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc giảm lãi suất điều hành đối với cơ quan quản lý của Việt Nam. Thực tế, đêm 16-3, Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định giảm lãi suất điều hành, trong đó lãi tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm xuống 4,75% từ mức 5%/năm trước đó. Quyết định này có hiệu lực từ hôm nay 17-3.
Tuy vậy, nhóm chuyên gia nêu trên cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước dùng công cụ hạ lãi suất chưa thể hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế do trong bối cảnh chịu cú sốc ngắn hạn như hiện nay, điều mà người dân và doanh nghiệp cần chính là dòng tiền, thanh khoản hỗ trợ tức thì, trong khi việc giảm lãi suất có độ trễ.
Tỉ giá USD/VNĐ được dự báo không chịu nhiều áp lực từ động thái của FED tung các gói hỗ trợ. Ảnh: Linh Anh
Các nhóm giải pháp theo Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ nên được tập trung: Giãn, hoãn các nghĩa vụ trả nợ của người dân, doanh nghiệp như miễn giảm phí, thuế, giãn - hoãn nợ vay và tiền thuế, không chuyển nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp hơn, tăng chi tiêu đầu tư công...
Hiện chỉ số CPI bình quân 2 tháng đầu năm đã tăng 5,91% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất trong 7 năm (cách xa mục tiêu 4%), trong khi lạm phát cơ bản tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019 (cách khá xa mức điều hành thông thường khoảng 2-2,5%). Việc giảm lãi suất hiện nay cũng sẽ không hỗ trợ nhiều đối với cho vay mới khi mà khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Tín dụng toàn hệ thống ngân hàng trong 2 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 0,1% (cùng kỳ tăng 0,85%, theo Ngân hàng Nhà nước).
Theo TS Cấn Văn Lực, động thái của FED lúc này tác động không đáng kể đến tỉ giá USD/VNĐ mà chỉ cho thấy nền kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn khó khăn cùng với lãi suất USD giảm sẽ làm giảm độ hấp dẫn, khiến USD giảm giá. Do đó, áp lực đối với tỉ giá USD/VND dự báo sẽ giảm hơn so với trước, dù yếu tố tâm lý có thể làm tăng áp lực tỉ giá.
Trong khi đó, báo cáo nhanh của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) hôm 16-3 cho rằng việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện ngay trong tháng 3 và mức giảm là 0,5 điểm % với các lãi suất OMO, tín phiếu, tái cấp vốn, chiết khấu - cao hơn so với mức cắt giảm 0,25 điểm % vào 9-2019.
Theo SSI, nỗ lực kích thích kinh tế đồng thời bằng cả chính sách tiền tệ và tài khóa của Chính phủ sẽ giảm thiểu những thiệt hại từ dịch bệnh. Tăng trưởng kinh tế sẽ được bù đắp từ cuối năm 2020 và năm 2021, khi hàng loạt dự án hạ tầng bằng vốn đầu tư công bắt đầu lan tỏa sang các thành phần kinh tế. Việt Nam sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 là 6,8%, nhưng điều quan trọng là đã đẩy nhanh được việc tạo lập các nền tảng cho tăng trưởng cao trong tương lai.