Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, dịch Covid-19 đang gây ra sức ép lên các hoạt động kinh doanh một cách rõ ràng.
Theo ông Đính, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều người đang thực hiện cắt giảm chi phí trong hoạt động kinh doanh, thậm chí là trả lại mặt bằng do tiền thuê cửa hàng quá cao.
"Tôi thấy hiện tượng này đang phổ biến, đặc biệt những cửa hàng ở nơi vốn mua bán, giao dịch sầm uất, đông người thì bây giờ càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Những ngành hàng bắt buộc phải có nơi trưng bày sản phẩm, giao thương, đặc biệt là những thương hiệu có uy tin càng cần địa điểm có đẳng cấp thì vẫn phải duy trì cửa hàng, nhưng đó là một gánh nặng", ông Đính nói.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam.
Tuy nhiên, việc mặt bằng kinh doanh "ế" vì dịch Covid-19 cũng có thể là cơ hội cho một số ngành hàng.
Cụ thể, theo ông Đính những ngành hàng thiết yếu có thể có cách sắp xếp, tối ưu lại hoạt động kinh doanh của mình sao cho phù hợp hoàn cảnh. Họ có thể kết hợp với doanh nghiệp khác để vẫn giao thương nhưng ít tiếp xúc nhất. Ví dụ như những ngành hàng thực phẩm có thể tăng cường việc mua bán hàng online.
"Đa phần các doanh nghiệp sẽ phải cơ cấu, tính toán lại, cấu trúc lại những phương án kinh doanh, bộ máy kinh doanh và trong đó có tiếp tục hay không việc duy trì mặt bằng. Để rồi khi dịch tan thì họ sẽ bắt tay vào việc tiếp tục kinh doanh. Có thể lúc đó sẽ gọn hơn mà vẫn hiệu quả", ông Đính nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, nhận xét việc trả lại mặt bằng, treo biển cho thuê... đang tác động trực tiếp đến "nền kinh tế mặt tiền", tác động đến nguồn thu và cuộc sống người dân đang có nhà cho thuê.
Nếu bên cho thuê giữ giá cao sẽ không có người thuê. Do vậy, trước mắt phải giảm giá cho thuê, đảm bảo có lợi cho cả hai. Người thuê và người cho thuê cùng vượt qua đại dịch bằng ý thức, chia sẻ, hợp tác toàn xã hội.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM.
Ông Châu cho rằng "trong cái rủi lại có cái may", khi những cửa hàng truyền thống đóng cửa thì tăng tần suất bán hàng online. Thay vì phải đến cửa hàng, giờ đây khách hàng ngồi nhà đặt ship mang đến tận nơi.
Gia đình, bạn bè cùng liên hoan, ăn uống mà không phải tới nơi đông người. Khách mua hàng, thanh toán online, thậm chí ứng tiền trước trả người ship sau đang là một xu thế tích cực, phù hợp với thời đại công nghệ 4.0.
Hơn nữa, việc hàng loạt mặt bằng "ế" lại tác động tốt đến quy hoạch đô thị, "nền kinh tế mặt tiền", kinh doanh cho thuê mặt tiền không còn phù hợp, không khai thác được nữa thì sẽ dễ dàng cho quy hoạch đô thị.
"Như ở Thái Lan, trước kia họ cũng kinh doanh mặt tiền nhưng khi không còn kinh doanh mặt tiền nữa thì họ xây dựng nhà cao tầng quy mô, đồng bộ hạ tầng. Tại vị trí tầng 1 thường để kinh doanh thì nay đã trở thành nơi đỗ xe, vừa tiện lợi, tiết kiệm lại đảm bảo mỹ quan đô thị", ông Châu đưa ra quan điểm.
Hiện tại, hàng loạt cửa hàng tại tuyến phố lớn như Chùa Bộc, Xã Đàn, Quán Thánh, Đội Cấn, Hàng Bông…đều đóng cửa hay treo biển cho thuê nhà vì chủ các cửa hàng đồng loạt trả lại mặt bằng trước hạn hợp đồng.
Hàng loạt cửa hàng tại các tuyến phố lớn ở Hà Nội đồng loạt treo biển cho thuê cửa hàng.
Theo ghi nhận, giá cho thuê nhà tại mặt đường phố Hàng Bông đang được rao là 35 triệu đồng/tháng với diện tích 40m2, mặt tiền 4m. Một tòa nhà cao tầng tại phố Hàng Tre (Hà Nội) đang rao giá 270 triệu đồng/tháng. Một vài khách sạn trong khu phố cổ có giá thuê 400 triệu đồng/tháng.
Giá cho thuê tại các con phố lớn như Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Thái Hà, Quán Thánh dao động từ 15 - 50 triệu đồng/tháng tùy vào vị trí, diện tích và mặt tiền.
Theo Tổng cục thống kê, tháng 2 là tháng sau Tết Nguyên đán và chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động thương mại dịch vụ không sôi động như những tháng trước. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 giảm 7,9% so với tháng trước.