Theo nhiều chỉ số, nền kinh tế Mỹ đang ở điều kiện tốt nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 2007-2009. Tỷ lệ thất nghiệp là 3,8% trong tháng 5, thấp nhất 18 năm. Mức tăng lương trung bình được kỳ vọng đạt 3% vào cuối năm. GDP 2018 dự báo sẽ tăng gần 3%, lần thứ 2 kể từ suy thoái.
Mặc dù vậy, nhiều nhà kinh tế vẫn lo ngại giai đoạn xuống sắp đến. 50% số chuyên gia trong cuộc khảo sát hồi tháng trước của Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia tin suy thoái bắt đầu vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020, 2/3 dự đoán một sự sụt giảm vào cuối năm 2020.
Các chuyên gia có cái nhìn khá "ảm đạm" về kinh tế Mỹ. (Nguồn: Getty Images)
Tình hình quá quá tốt lại chính là lý do. Đây là đợt tăng trưởng dài thứ 2 trong lịch sử Mỹ.
Trong giai đoạn cuối của quá trình mở rộng, nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất nếu "bong bóng" vỡ. Thông thường khi tỷ lệ thất nghiệp giảm, lạm phát nóng lên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế, nhà đầu tư và người tiêu có xu hướng chững lại.
“Đúng thời điểm mọi thứ đang diễn ra một cách tuyệt vời, chúng ta sẽ dễ phạm sai lầm, phản ứng quá mức hay vay quá đà”, nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của công ty dịch vụ tài chính Moody's, nhận định.
Tất nhiên, "bong bóng" chỉ vỡ khi có yếu tố châm ngòi. Trong khoảng 1990-1991, đó là cú sốc giá dầu. Năm 2001, đó là sự bùng nổ của bong bóng dotcom, dẫn đến sự suy giảm của thị trường chứng khoán. Năm 2007, đó là vụ sụp đổ của thị trường nhà đất.
"Một cuộc suy thoái về cơ bản là sự bùng phát bi quan", khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp giảm chi, nhà kinh tế Jesse Edgerton của ngân hàng JPMorgan Chase phát biểu.
Đây là kịch bản cơ bản có thể đẩy Mỹ vào suy thoái trong vài năm tới:
Lạm phát và giá tài sản cao hơn
Đây là con đường dễ có khả năng dẫn đến suy thoái nhất. Thất nghiệp giảm và tiền lương tăng là một điều tốt, nhưng việc phải trả lương cao hơn dần sẽ khiến các công ty tăng giá sản phẩm, gây ra lạm phát. Mức lạm phát lõi hàng năm của Fed hiện tại - 1,8% - rất dễ vượt quá mục tiêu 2%.
Điều này có thể khiến Fed tăng lãi suất nhanh hơn, có thể 4 lần/năm trong cả năm 2018 và năm 2019 thay vì 3 như dự báo hiện nay. Lãi cao hơn và lo ngại lạm phát sẽ làm người tiêu dùng và doanh nghiệp giảm chi tiêu và đầu tư, ngăn kinh tế phát triển.
Tranh chấp thương mại leo thang
Tổng thống Donald Trump đang tích cực đánh thuế đối tác thương mại, từ châu Âu đến Trung Quốc, để "đòi lại công bằng" cho Mỹ như lời hứa trong chiến dịch tranh cử năm 2016.
Ngoài mức thuế 25% đối với nhôm thép nhập khẩu từ các nước, nhà lãnh đạo vừa quyết định áp thuế lên khoảng 50 tỷ USD hàng Trung Quốc, Bloomberg đưa tin. Ông cũng tỏ ý muốn dùng biện pháp này đối với nhập khẩu ôtô và đe dọa sẽ không gia hạn Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico.
Những động thái hung hăng này sẽ gây thiệt hại cho chính người tiêu dùng Mỹ, chưa kể đến việc các nước trả đũa. Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối sẽ bắt đầu đánh thuế bổ sung đối với một số hàng từ Mỹ trị giá 2,8 tỷ euro (khoảng 3,3 tỷ USD) từ tháng 7.
Căng thẳng thuế quan phủ bóng hội nghị G7 tại Quebec, Canada ngày 9/6. (Nguồn: Reuters)
Giá nhiên liệu tăng
Giá dầu tăng đột biến đóng vai trò lớn trong mọi cuộc suy thoái kể từ Thế chiến II khi phá vỡ sức mua của người tiêu dùng, theo Moody's. Giá dầu thô tiêu chuẩn của Mỹ đang là 65 USD/thùng, một bước nhảy vọt từ mức 26 USD/thùng đầu năm 2016.
Con số này sẽ còn lên nữa nếu căng thẳng leo thang giữa Iran và Ả-rập Xê-út, 2 nhà xuất khẩu dầu mỏ chính của thế giới.
Khó khăn ngân sách
Từ đầu năm, chính phủ Mỹ đã nhiều lần đóng cửa vì không thông qua được dự luật ngân sách. Một trong những vấn đề khiến các nhà làm luật đảng Dân chủ và Cộng hòa khó tìm được thỏa thuận là nợ công.
Bộ Tài chính nước này thông báo kế hoạch vay 955 tỷ USD trong năm nay, gần như gấp đôi năm ngoái và cao nhất trong 6 năm. Con số này sẽ tiếp tục tăng, hơn 1.000 tỷ USD trong năm 2019 và hơn 1.100 tỷ USD trong năm 2020.
Khẩu hiệu "Ông Trump đóng cửa [Chính phủ]" trong phiên họp Thượng viện Mỹ tháng 1. (Nguồn: Bloomberg)
"Chúng ta đang nghiện nợ", Giám đốc chính sách cấp cao Marc Goldwein của Ủy ban Ngân sách Liên bang nhận định. Đây là lần đầu tiên tỷ lệ nợ công/GDP tăng đến mức này trong giai đoạn không suy thoái kể từ thời tổng thống Ronald Reagan, cựu cố vấn cao cấp Ernie Tedeschi của Bộ Tài chính, nói.
Nhà đầu tư đang quan ngại về tình trạng nợ và khả năng lạm phát, lý do khiến lợi tức trái phiếu chính phủ đạt mức cao nhất kể từ năm 2014. Điều này cũng thúc đẩy đợt bán tháo trong tuần tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán trong 2 năm.