Hầu hết các chỉ tiêu năm 2018 đạt hoặc vượt
Tại Nghị trường sáng nay, 22/10, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã đọc báo cáo tóm tắt đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm 2016-2018 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.
Ông Vũ Hồng Thanh
Đối với năm 2018, theo báo cáo, trong 12 chỉ tiêu về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Nhiều điểm nhấn quan trọng được chỉ ra như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn mức tăng trưởng kinh tế tiềm năng trung hạn, tăng trên cả 3 lĩnh vực; các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm,…
Kết quả tích cực đối với cả kinh tế, xã hội giúp tạo hiệu ứng lan toả nhất định trên nhiều lĩnh vực, giúp cho việc củng cố và tăng cường niềm tin trong Nhân dân và cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Xu hướng kinh tế tích cực nhưng tiềm ẩn rủi ro trong năm 2019
Đối với kế hoạch phát triển năm 2019 và rộng hơn là việc hoàn thành kế hoạch 5 năm từ 2016 – 2020, Uỷ ban kinh tế của Quốc hội nhận xét, năm 2019 tuy xu thế dự báo tích cực chủ đạo nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro thách thức.
Do vậy, trong công tác điều hành, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng Chính phủ cần lưu ý sức ép từ tăng giá dầu, lãi suất đồng đô la Mỹ, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và những thách thức từ chính nội tại nền kinh tế trong nước.
Về mục tiêu tổng quát, Uỷ ban Kinh tế thống nhất với báo cáo của Chính phủ về tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, Uỷ ban cơ bản nhất trí như báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị đánh giá kỹ tính hợp lý và khả thi của chỉ tiêu Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời làm rõ cơ sở chỉ tiêu Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% trong khi kết quả của 3 năm 2016-2018 đều xuất siêu.
Đối với chỉ tiêu Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng tương đối phù hợp, tuy nhiên, Chính phủ cần lưu ý các biện pháp để đạt được mục tiêu Quốc hội yêu cầu là phấn đấu kiểm soát lạm phát 3% vào năm 2020.
Một số chỉ tiêu như tỷ lệ lao động qua đào tạo (60-62%), tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch (88%) còn có khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra vào năm 2020, đề nghị cần đặt mục tiêu phấn đấu cao hơn.
Về giải pháp cho năm 2019, Ủy ban Kinh tế có một số ý kiến đóng góp như: Rà soát, hoàn thiện và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn luật.
Chính phủ cần hoàn thiện thể chế và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực thi và khai thác tốt những cơ hội từ việc ký kết các hiệp định thương mại tự do. Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát.
Uỷ ban cũng cho rằng cần tiếp tục tập trung cơ cấu lại ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ thu, chi, giảm bội chi ngân sách nhà nước. Kiên quyết không để thất thu từ khu vực ngoài quốc doanh, trong khai thác tài nguyên, khoáng sản. Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia…
Ngoài ra, Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cũng nhận định một số mục tiêu giai đoạn 5 năm khó đạt được như: Tỷ lệ tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người; Tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; Tiêu hao năng lượng tính trên tổng sản phẩm trong nước bình quân; Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trên tổng sản phẩm trong nước năm cuối kỳ; Tỷ lệ lao động qua đào tạo. Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý vẫn chưa có số liệu báo cáo.
Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đồng thời thừa nhận mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đóng góp 50% vào tăng trưởng sẽ là thách thức rất lớn.