Nền kinh tế Nhật Bản suy giảm mạnh hơn dự báo trong quý 3 vừa qua, do ảnh hưởng của thiên tai và xuất khẩu suy giảm. Đây được xem là một tín hiệu đáng lo ngại cho thấy chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang bắt đầu gây tác động xấu đến nhu cầu trên thị trường toàn cầu.
Theo hãng tin Reuters, sự suy giảm của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là một bằng chứng nữa về tình trạng yếu đi của nền kinh tế toàn cầu. Kinh tế Trung Quốc và châu Âu thời gian qua đã có nhiều dấu hiệu "hụt hơi". Kinh tế Đức cũng được dự báo suy giảm trong quý 3.
Thống kê chính thức được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố sáng 14/11 cho thấy nền kinh tế nước này suy giảm 1,2% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh hơn mức giảm 1% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Trong quý 2, nền kinh tế đất nước mặt trời mọc tăng trưởng 3%.
Chính phủ Nhật giữ quan điểm rằng nền kinh tế nước này vẫn đang giữ đà hồi phục, rằng sự suy giảm trong quý 3 chủ yếu là do bão lũ và động đất khiến các nhà máy gián đoạn hoạt động và người tiêu dùng giảm chi tiêu.
Tuy vậy, nhiều nhà phân tích nhấn mạnh sự suy giảm đáng ngại trong lĩnh vực xuất khẩu của Nhật Bản, trong bối cảnh nhu cầu tại thị trường Trung Quốc chững lại và những tác động bất lợi từ cuộc chiến thương mại căng thẳng Mỹ-Trung.
"Xuất khẩu giảm không phải hoàn toàn do thiên tai", ông Hiroaki Muto, chuyên gia kinh tế thuộc Tokai Tokyo Research Center, phát biểu. "Có thể thấy rằng nền kinh tế Trung Quốc đang yếu đi, nghĩa là xuất khẩu của Nhật Bản sẽ phục hồi chậm và kinh tế Nhật có thể sẽ rơi vào trì trệ trong nửa đầu năm tới".
Trong quý 3, xuất khẩu của Nhật Bản giảm 1,8% so với quý 2, mức giảm mạnh nhất trong hơn 3 năm. Tiêu dùng tư nhân, lĩnh vực đóng góp khoảng 60% GDP Nhật, giảm 0,1%. Đầu tư tài sản cố định của các doanh nghiệp giảm 0,2%, đánh dấu quý giảm đầu tiên sau 2 năm.
Số liệu do Bộ Thương mại Nhật Bản công bố tháng trước cho thấy xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc trong tháng 9 lần đầu tiên giảm trong 7 tháng.
Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy ngành chế biến-chế tạo của Trung Quốc gần như "dậm chân tại chỗ" trong tháng 9 và tháng 10 - một vấn đề đáng lo đối với Nhật Bản, bởi Trung Quốc là một khách hàng lớn mua thiết bị sản xuất và linh kiện Nhật.
Nhiều chuyên gia cho rằng dưới sức ép của chiến tranh thương mại đối với tăng trưởng, các nhà hoạch định chính sách của Nhật có thể sớm đưa ra các biện pháp kích thích tài khóa mới để hỗ trợ nền kinh tế.