Chỉ số MSCI toàn cầu có thời điểm bốc hơi 0,41% xuống mức thấp kỷ lục kể từ giữa tháng 3, còn chỉ số S&P 500 và chỉ số Nasdaq của Mỹ giảm lần lượt 1,5% và 2%. Xu hướng tương tự diễn ra trên các thị trường chứng khoán châu Âu, với chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 1,39% và chỉ số FTSE của Anh giảm 0,52%.
Tại thị trường tiền tệ, theo Reuters, giá đồng nhân dân tệ chạm mốc thấp kỷ lục trong 7 tháng qua và đang trên đà trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ năm 2019, giữa lúc lệnh phong tỏa Thượng Hải gây tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Giá USD giảm 0,25% so với đồng yen của Nhật Bản (xuống mức 1 USD đổi 128 yen) dù giá euro giảm 0,29% so với đồng bạc xanh (xuống mức 1 euro đổi 1,0805 USD).
Nhân viên giao hàng chờ nhận đơn bên ngoài một cửa hàng ở TP Thượng Hải – Trung Quốc, hôm 20-4 Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, giá dầu Brent và WTI giao trong tương lai có thời điểm rơi xuống ngưỡng 107,86 USD/thùng và 103,30 USD/thùng, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powel tuyên bố mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản sẽ được thảo luận trong phiên họp tháng 5.
Cùng ngày, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo đà tăng trưởng chậm kéo dài của Trung Quốc có thể tác động đáng kể đến kinh tế toàn cầu.
Dù vậy, bà Georgieva khẳng định may mắn là Trung Quốc "vẫn còn không gian chính sách" để đưa ra những điều chỉnh phù hợp nhằm cải thiện tình hình.
Tại Thượng Hải, theo đài CNBC ngày 21-4, các doanh nghiệp nước ngoài đến giờ vẫn gặp khó khăn trong việc đưa lao động trở lại nhà máy sau gần một tháng phong tỏa, kể cả khi các biện pháp hạn chế đã được nới lỏng.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ và châu Âu khẳng định họ đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến hậu cần và nhân lực, nhất là khi hơn 50% nhân viên của họ hiện vẫn chưa thể trở lại làm việc vì lệnh phong tỏa.
Nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang chậm lại vì Covid-19, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Dịch Cương ngày 22-4 cam kết duy trì chính sách phù hợp, với các biện pháp như hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và những lĩnh vực bị ảnh hưởng vì đại dịch.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi cải cách để hướng đến một chuỗi cung ứng toàn cầu "có khả năng phục hồi tốt" và "ổn định". Theo Bộ trưởng Yellen, Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine đã phơi bày tình trạng "bất ổn định" của chuỗi cung ứng hiện hành và đây là một mối đe dọa về mặt lâu dài đối với các nền kinh tế, kể cả Mỹ.