Chỉ vài tuần kể từ khi các nhà kinh tế đặt cược rằng sự sụt giảm toàn cầu, dẫn đầu bởi Trung Quốc, sẽ nhanh chóng được đảo ngược khi virus corona bị ngăn chặn, nhiều người đang phải suy nghĩ lại sự lạc quan đó khi các nhà máy Trung Quốc vẫn im lìm và công nhân thì chẳng thể đi làm.
Sự đình trệ ở Trung Quốc không chỉ tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn làm sụt giảm du lịch và thương mại ở nhiều nơi trên khắp thế giới. Dịch bệnh, đang đe dọa châu Âu và Mỹ, khiến tình trạng tương tự có thể xảy ra ở nhiều nơi khác.
Các nhà kinh tế của Bank of America Corp đã cảnh báo khách hàng rằng họ chỉ nghĩ tăng trưởng toàn cầu năm nay là 2,8%, mức yếu nhất kể từ năm 2009. Không chỉ Trung Quốc có mức tăng trưởng tệ nhất kể từ năm 1990 mà Mỹ cũng sẽ tăng trưởng thấp chưa từng có trong ít nhất 4 năm qua.
"Các con số dự báo rủi ro với nền kinh tế sẽ có nhiều sai lệch. Dự báo của chúng tôi chưa bao gồm một đại dịch lan ra toàn cầu, điều mà về cơ bản sẽ làm đình trệ các hoạt động kinh tế ở nhiều thành phố lớn", Ethan Harris, trưởng nhóm thực hiện báo cáo của BofA, cho hay.
Công bố của BofA trái ngược với dự báo của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF). Trong dự báo được công bố hôm 22/2, IMF ước tính tăng trưởng toàn cầu sẽ chỉ giảm 0,1% so với ước tính 33% trong năm nay. Tuy nhiên, IMF cũng cho biết họ đang nghiên cứu thêm về các kịch bản khác.
Khi chứng khoán Mỹ lao dốc thê thảm, các doanh nghiệp cũng đã lên tiếng cảnh báo. Standard Chartered Plc hôm 27/2, đã gia nhập cùng HSBC Holdings Plc khi tuyên bố họ sẽ bỏ lỡ các mục tiêu lợi nhuận vì virus corona.
Trong khi dịch bệnh corona ở Trung Quốc có vẻ đang dần được kiểm soát, nền kinh tế này vẫn còn con đường dài phía trước để có thể phục hồi. Bloomberg Economics tính toán rằng nền kinh tế Trung Quốc đang vận hành ở mức 60-70% so với bình thường trong tuần này, tăng hơn một chút so với mức 50-60% so với 1 tuần trước đó.
Hiện tại, các ngân hàng trung ương lớn đều đã cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế đối phó với virus. Tuy nhiên, đang có những cuộc tranh luận về việc có nên tiếp tục nới lỏng lãi suất nữa hay không. Nếu chuỗi cung ứng bị phá vỡ, lãi suất thấp dường như cũng chẳng giúp gì nhiều trong việc thúc đẩy các hoạt động.
Trả lời tờ FT, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cho biết vẫn còn quá sớm để có được những câu trả lời chính xác, tương đồng với lập trường mà Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Richard Clarida chia sẻ hôm 25/2.
Trong khi băn khoăn về lãi suất, các ngân hàng trung ương có thể tìm thấy một mô hình tiềm năng khác. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã chống lại yêu cầu cắt giảm lãi suất. Thay vào đó, họ ưu tiên nhắm mục tiêu hỗ trợ cho các công ty bằng cách đưa ra nhiều khoản vay giá rẻ dễ tiếp cận hơn.
Hiện tại, các nhà kinh tế bắt đầu chia sẻ quan điểm với các nhà đầu tư khi dự đoán rằng các ngân hàng trung ương lớn sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ. Các chuyên gia của Standard Chartered nói với khách hàng của họ rằng họ nên mong đợi FED hạ lãi suất cơ bản vào tháng 4 và tháng 6 năm nay. Trước đó, người ta tin rằng FED sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm 2020.
Thị trường tiền tệ tin rằng FED sẽ có 3 đợt hạ lãi suất trong năm nay, bắt đầu từ tháng 4. Trong khi đó, ECB sẽ giảm lãi suất 1 lần trong tháng 10.