Đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt, nhưng TPHCM đã huy động cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh. TPHCM đã hỗ trợ hơn 510.000 đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, đạt 94% kế hoạch với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động để vực dậy nền kinh tế…
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, tình hình kinh tế quý 2 chuyển biến hơn quý 1, căn cứ vào thực tiễn TPHCM tính toán GRDP tăng 2%. TPHCM vẫn đóng góp GDP cả nước trên 25% và 27% tổng thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm. Do dịch Covid-19 nên nhiều ngành có mức tăng thấp hoặc giảm, như tổng thu dịch vụ giảm 22,3%, lưu trú ăn uống giảm 47,3%, du lịch lữ hành giảm 71,2%, hơn 2.500 doanh nghiệp giải thế, 8.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động… thu ngân sách chỉ hơn 163.000 tỷ đồng (đạt 40% so dự toán, giảm 14,4%).
Dự án chống ngập của TPHCM do triều có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu dự kiến hoàn thành cuối năm nay.
Tuy nhiên, TPHCM vẫn có một số điểm sáng, như: khối lượng giải ngân thực tế hơn 18.000 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch vốn, doanh thu bán lẻ đạt 403.000 tỷ (tăng 10% cùng kỳ) kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 20,7 tỷ USD (tăng 5,8%) nhiều ngành dịch vụ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao như dịch vụ y tế (tăng 11,6%) tài chính ngân hàng (tăng 7,8%) khoa học công nghệ (tăng 7,1%)…
TPHCM có gần 18.500 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 246.000 tỷ đồng, đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút hơn 2 tỷ USD, thương mai điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt phát triển… tạo nền tảng phát triển kinh tế số.
Những kết quả trên tạo tiền đề cho phát triển kinh tế thời gian tới. TPHCM kiên trì thực hiện nhiệm vụ kép, vừa vực dậy nền kinh tế, vừa phòng chống dịch. TP cũng sẽ tập trung chuẩn bị cho Đại hội Đảng, hoàn thành nội dung phục vụ đại hội. Trọng tâm là đề án tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa Trung ương và địa phương, đề án thành lập thành phố phía Đông, sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 54 về cơ chế chính sách đặc thù.
TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, chuẩn bị đón làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài vào Việt Nam, tập trung thực hiện chủ đề năm văn hoá, tăng cường chuyển đổi số, triển khai phát triển du lịch, trước mắt là du lịch nội địa. |
Ngoài ra, các dự án trọng điểm như tuyến đường sắt đô thị số 1, dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng… cũng sẽ được đẩy nhanh để về đích và đưa vào sử dụng.
“Hôm nay tròn 44 năm ngày TP Sài Gòn – Gia Định chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với vai trò là một đô thị đặc biệt, một trung tâm nhiều mặt của cả nước nên TPHCM xác định phải nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm nhiều hơn bởi sự phát triển chậm lại của TPHCM sẽ tác động trực tiếp đến cả nước” Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói.